Hoa cúc và gươm là một tuyệt phẩm cho bất kỳ ai quan tâm đến Nhật Bản. Qua những phân tích thấu đáo, nhà nhân loại học lừng danh Ruth Benedict giới thiệu một dẫn luận vô giá về tính cách và tâm hồn người Nhật Bản trong các ứng xử hàng ngày, trong phong tục tập quán và truyền thống.
Tựa đề quyển sách ”Hoa cúc và Gươm" cũng đã nói lên phần nào nét đặc trưng văn hóa của người Nhật chính là dung hòa những mâu thuẫn. Tin rằng nếu đọc xong lời giới thiệu ngắn gọn của tác giả dưới đây thì thật sẽ rất khó hiểu về người Nhật, trích : "Người Nhật, ở mức độ cao nhất, vừa rất hung bạo lại vừa rất ôn hòa, vừa quân phiệt lại có khiêm thẩm mỹ, vừa cao ngạo lại vừa lịch sự, vừa cứng nhắc vừa có khả năng thích ứng nhanh, vừa dễ phục tùng nhưng không thích bị sai khiến, vừa trung thành vừa dễ bội tín, vừa dũng cảm lại vừa hèn nhát, vừa bảo thủ lại vừa hoan nghênh những cách thức mới.”
Theo vết đời sống chính trị, tôn giáo và kinh tế của xứ sở hoa anh đào từ thế kỷ 17 đến Thế chiến 2, Benedict trình bày quá trình tiến hóa của ý thức hệ Nhật và khám phá một số điều phức tạp hấp dẫn của xã hội Nhật.
Một số luận điểm về vấn đề này được viết ra từ rất lâu về trước vào những năm 1946 giờ đã không còn phù hợp nữa. Thế nhưng tư tưởng chính chủ yếu về căn tính của người Nhật và dân tộc của Ruth Benedict – sẽ làm chúng ta ngỡ ngàng và ngạc nhiên về sự đúng đắn thời vượt thời gian. Đến ngày nay hoặc rất lâu về sau nữa thì những ai muốn tìm hiểu thấu sâu về nền văn hóa của nước Nhật thì "Hoa cúc và Gươm" vẫn sẽ là cuốn sách đứng đầu danh mục chọn lựa.
Mục lục sách:
Hoa cúc là loài hoa cao quý nó không chỉ tượng trưng cho sự thanh khiết, cái đẹp mà nó còn là biểu tượng cho Hoàng Gia. Với gu thẩm mỹ đặ biệt tinh tế đến từng chi tiết, người Nhật luôn tìm kiếm sự hoàn hảo trong mọi việc, sự hoàn hảo tối thượng chính là mục tiêu khiến người Nhật phát minh ra lý thuyết Kaizen – sự cải thiện trong sản xuất ( 改善).
Văn hóa ở Nhật Bản rất coi trọng nghĩa vụ và ân huệ: ân huệ của cha, mẹ, của giáo viên, sư phụ và đặc biệt trên hết là ân huệ của Thiên hoàng: ở họ, họ luôn coi trọng việc đền ơn cao độ về mặt đạo đức đến độ mà người phương Tây khó tưởng tượng được. Điều này có thể thấy qua cung cách cúi chào sâu của người Nhật đối với cấp trên, cha mẹ, hay đơn giản là người lớn tuổi hơn mình.
Hoa cúc là biểu tượng có nhiều ý nghĩa trong cả văn hóa tinh thần lẫn vật chất của người Nhật. Nhắc đến Nhật Bản, người ta thường hay nhắc đến hoa anh đào với hình ảnh cả rừng hoa lìa cành ngay sau khi nở rộ, nhưng chính ra, cái đấy chỉ đại diện cho tinh thần của tầng lớp samurai mà thôi. Nói chung về con người Nhật, Tinh thần Nhật Bản thì phải nhắc về hoa cúc, thứ hoa có khí chất quân tử, một mình mọc 1 mùa, chết đứng trên đài, là đại diện thân thảo duy nhất trong bộ tứ quý "Tùng- Cúc - Trúc -Mai".
Hình tượng Hoa cúc ở đây không phải là đối trọng của Gươm theo nghĩa mạnh - yếu, khoảnh khắc - vĩnh viễn, sự sống - cái vô tri... mà theo nghĩa bổ sung cho nhau. Hoa cúc đại diện cho Vương/Thần quyền và Gươm đại diện cho Quân quyền/Chính quyền, cái đẹp - sức mạnh cùng bổ trợ để làm nên cái gọi tinh thần Nhật Bản. Sự sóng đôi cùng hai hình ảnh này cũng phần nào giải thích cho sự "đối nghịch" trong tính cách của người Nhật. Nghĩa là thoạt nhìn thì thấy hai thứ không liên quan gì nhau, "vô lý" nhưng khi đi vào bên trong, họ biết cách thỏa hiệp để làm cho mọi thứ hợp lý đến không ngờ và có hệ thống hẳn hoi. Trong cuốn sách này, Ruth Benedict vẫn chưa đủ giải thích sao cho thấu đáo mọi mối quan hệ, quan điểm xung đột, khiến chương sau chọi chương trước đôm đốp.
Ngoài việc, "yêu thích sự tinh khiết, thù ghét những thứ dơ bẩn đã hình thành nên đặc dị tâm lý người Nhật” . Người Nhật họ rất coi trọng sự thanh khiết cả về thể xác (thích tắm nước nóng – như một thói quen làm sạch cơ thể, xua tan các vi khuẩn gây nên bệnh tật) và cả về tinh thần (có những ngày đền đáp ơn nghĩa, gột rửa thanh danh và nhất quyết không để tâm hồn rỉ sét).
Thanh gươm trong văn hóa Nhật được xem như là biểu tượng của danh dự, lòng tự trọng và sự tu dưỡng tâm hồn của người Nhật. Thanh gươm cũng là vũ khí tối thượng của Samurai, nó luôn được phải mài sáng loáng và gìn giữ giống như đức hạnh của chủ nhân vậy.
Người Nhật nhấn mạnh đến lòng tự trọng và sự kiềm chế, xem trọng lòng tự trọng chính là xem trọng bản thân. Đối với họ thì việc tự kiềm chế thể hiện lòng tự trọng của họ và sẽ làm gia tăng giá trị của bản thân.
Họ cho rằng điều quan trọng để có một tâm hồn luôn thanh khiết, sáng ngời là sự tự tu dưỡng bản thân. Tự tu dưỡng liên tục giúp gột sạch những cái gọi là sự rỉ sét của con người, làm cho họ sắc bén giống như những thanh gươm được mài sáng. "Tự tu dưỡng con người là giúp chúng ta trở nên vô ngã”. Cảnh giới "Nhất điểm" này chính là hành động hoàn hảo trong tâm trí hay là được giác ngộ trong Thiền Tông.
Mặt khác, ở Nhật Bản họ không chỉ trích những dục vọng tham muốn của con người. Họ lại xem các lạc thú thân xác như tắm nước nóng, say rượu, ngủ, yêu đương… tất cả đều là những điều đáng theo đuổi. Ngay kể cả việc ham muốn tình dục cũng không liên quan đến vấn đề đạo đức. Đây chính là lý do vì sao video tình dục và các công cụ hưởng thụ khác lại phổ biến công khai tại Nhật.
Ruth Benedict cho rằng nền văn hóa của người Nhật đặt tầm quan trọng ở sự “Xấu hổ” chứ không phải là ”Tội lỗi”. ” Nền văn hóa tội lỗi khắc sâu vào những tiêu chuẩn đạo đức tuyệt đối và đặt lương tâm làm cơ sở cho sự phát triển con người”. Trong khi đấy, ” Xấu hổ”- nền văn hóa của ” sự hổ thẹn” là cốt rễ của đạo đức. Sự hổ thẹn có cùng một vị thế quyền lực trong nguyên tắc xử sự của người Nhật giống như vị trí ” Một lương tâm trong sạch” và tránh xa tội lỗi trong luân lý của phương Tây. Sự hổ thẹn xây nên một bức tường tâm lý thiết thực đối với người Nhật.
Trong lời giới thiệu đặc biệt viết cho ấn bản thứ 16, Ian Buruma trình bày những lý do khiến sự thấu suốt có tính khám phá nền tảng của Benedict cho đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị như lần xuất bản đầu tiên.
Với những kiến giải sâu sắc, những lập luận chặt chẽ về cụ thể con người Nhật Bản, quyển sách "Hoa cúc và gươm" luôn là quyển sách tâm đắc nhất khi tìm hiểu về con người, về nền văn hóa của người Nhật. Bạn muốn am hiểu sâu sắc, muốn hội nhập và phát triển hãy tìm cho mình một khung nhận thức về đất nước con người xứ sở Phù Tang này nhé!