Tiết kiệm chi tiêu luôn là mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều du học sinh khi sang Nhật. Đặc biệt, tại các thành phố lớn có mức đời sống cao như Tokyo, điều này đã trở thành nỗi trăn trở và đau đầu khiến nhiều bạn trẻ chần chừ trước các cơ hội du học. Tuy nhiên, với bất kỳ tình huống khó khăn nào việc hữu ích nhất đó là tìm ra giải pháp. Dưới đây là chia sẻ về những mẹo tiết kiệm chi tiêu tại Nhật dựa trên kinh nghiệm thực tế của bạn du học sinh Phạm Hồng Hiệp!
Du học Nhật Bản hiện nay đã không còn xa lạ với mọi người, nhưng những bài toán về tiết kiệm chi tiêu thì mình nghĩ nó sẽ không bao giờ là cũ và là đủ. Bởi vì mỗi người đều sẽ có cách sống và mục tiêu khác nhau. Bài viết này mình dựa vào trải nghiệm của mình, một du học sinh tại Tokyo vào khoảng năm 2019.
Như mọi người cũng đã biết, Tokyo luôn nằm trong top những thành phố có chi phí sống đắt đỏ nhất Thế giới. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của mình thì nó cũng không kinh khủng như những gì trên báo hay viết, vì chi phí đắt thì lương khi mình đi làm cũng sẽ nhận được nhiều, như các bạn cũng thấy là mọi người ở Tokyo vẫn sống và làm việc bình thường đấy thôi, à mà cũng có thể là có chút áp lực, nhưng mình chưa sống lâu dài ở khu vực nào khác cả nên mình thấy Tokyo vẫn rất ổn và tiện lợi.
Nói chung thì bài viết này dựa trên trải nghiệm của một du học sinh ở Tokyo vào năm 2019 (à lúc này mình đang học trường tiếng) và sống ở ký túc của trường.
Để cân bằng được các khoản chi thì đầu tiên mình phải tính được khoản thu vào đúng không nào!
Mình làm ở ga Shinbashi, các bạn ở Tokyo chắc cũng nghe qua các ga đầy "salary man" này rồi nhỉ. Cảm nhận cá nhân của mình thì các hàng quán ở ga này đều rất rất bận, nó đông đúc, nhộn nhịp như Shinjuku, Shibuya, v.v vậy đó, nhưng hầu như ở đây toàn người Nhật thôi (vì ga này tập trung các tòa nhà văn phòng, khác với các khu vực du lịch sẽ có nhiều người nước ngoài).
Chắc là vì bận nên lương ở đây cũng cao hơn các ga khác 1 tí. Chỗ mình làm là 1200 yên/h, các cửa hàng tiện lợi xung quanh thì là 1300 yên/h (chưa kể bonus sau 10h hay ca đêm).
Mỗi tuần mình sẽ làm 3 buổi, 2 buổi thứ 7, chủ nhật và 1 buổi vào 1 ngày trong tuần (buổi trong tuần mình hay thay đổi cho phù hợp lịch học). Để được nhân hệ số lương và cũng để đỡ áp lực cho việc học nên mình sẽ làm cả ngày thứ 7 và chủ nhật luôn.
Mỗi thứ 7, chủ nhật mình sẽ làm từ 10h đến 23h, vì làm ca dài nên mình sẽ được giải lao 3 lần, tổng 3 lần giải lao là 108 phút. Buổi còn lại trong tuần mình làm từ 18h đến 23hi, giải lao 30 phút. Vậy thì 1 tuần mình sẽ làm 11,2 * 2 + 4,5 = 26,9 giờ/tuần.
Thứ 7/Chủ nhật:
-----------------------------------------------------------------------------------
⇒ Tổng = 15290 yên
Buổi còn lại trong tuần:
-----------------------------------------------------------------------------------
⇒Tổng 5700 yên
⇒ 1 tuần mình sẽ được nhận 15290 * 2 + 5700 = 30580 yên
Note dành cho các bạn chưa hiểu chỗ 1200, 1500, 1800:
Ví dụ lương của các bạn là x yên/h, ngày hôm đó các bạn làm hơn 8 giờ/ngày
Thì lương của giờ thứ 9 trong ngày trở đi các bạn sẽ được nhận x + x * 25% yên/h
Sau 22h thì lương của các bạn lại được tăng 25% nữa, nên các bạn cộng thêm vào là ra.
Cũng vì nguyên nhân trên mà mình làm suốt cả 2 ngày cuối tuần, chứ thực sự rất vất vả, hết ca về là muốn nằm dài ở nhà luôn!
Tính thì phức tạp quá nên mình chốt lại đơn giản hơn là mỗi tháng sẽ có 4 tuần lẻ vài ngày, nếu như rơi trúng vào các ngày mình đi làm hết thì thu nhập tối đa 1 tháng sẽ khoảng 181.400, nếu tháng nào đen hơn thì tối thiểu cũng tầm 145.120 yên thôi (mà thường thì mỗi tháng mình lãnh tầm 15-16 man là nhiều, thuế trừ ra thêm tí nữa, khoản vài ngàn).
Nếu các bạn ở trọ thì tiền trọ là tiền đầu tiên phải chi, còn mình thì là tiền ký túc xá. Phòng ký túc mình tận 4 người nên chia ra là 25.000 yên/người/tháng.
Điện - nước - net là 10.000 yên/người/tháng.
Lúc trước mình ở cách trường 1 ga nên mỗi tháng khoảng 5.600 yên tiền tàu, nhưng sau được chuyển sang ký túc khác gần trường hơn nên không cần nữa.
Tiền điện thoại mỗi tháng của mình khoảng 1.200 yên, có thể là sim rẻ nhất đối với điều kiện của mình lúc bấy giờ, phần sim mình sẽ giải thích phía dưới kỹ hơn.
Mình thấy các nhà mạng hay có chương trình ký hợp đồng với điều kiện 2 năm dùng sim và gói cước của bên họ thì mình sẽ được mua Iphone với giá 0 đồng, nhưng tìm hiểu ra thì giá khá chát, tận gần 10.000 yên/tháng. Có thể đối với mọi người thì nó ok nhưng mình không cảm thấy cần lắm nên mình mang điện thoại của mình sang, rồi mua sim Line (Line dùng chung đường truyền Docomo, lại ở ngay thành phố nên mạng hoạt động ổn áp lắm).
Gói mình dùng là gói cơ bản, gọi điện hay nhắn tin sẽ tính phí thêm, mỗi tháng được 1Gb tốc độ cao, hết 1Gb thì vẫn dùng được nhưng khá chậm, được điểm cộng là miễn phí dung lượng lướt SNS (facebook, instagram, line), lúc mình đăng ký còn được giảm thêm 900 yên/tháng cho 3 tháng đầu, hợp đồng 1 năm nữa. Vậy nên lúc đó mình chọn nó. Các bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều nhà mạng giá rẻ khác, tùy thời điểm và nhu cầu của mỗi người mà chúng ta có thể chọn nhà mạng phù hợp nhất.
Buổi sáng mình mua bánh với nước ở cửa hàng tiện lợi, hôm ít hôm nhiều nên tính trung bình khoảng 250 yên/bữa; trưa thì mua bento ở cửa hàng tiện lợi, origin hoặc ăn ở mấy quán bình dân như Hidakaya, Sukiya, hay một quán ăn nào tiện đường mình đi học về, trung bình khoảng tầm 600 yên/bữa; buổi tối mình sẽ tự nấu gì đó mà hôm trước đi siêu thị mua.
Ngoài ra, những hôm đi làm thì mình sẽ ăn ở quán luôn, vì ăn trong ca sẽ được hỗ trợ 60%, mình chỉ cần trả 40% bill thôi. Để đảm bảo chỉ tiêu tiết kiệm chi tiêu thì mỗi tháng mình đều để riêng 30.000 cho việc ăn uống, nếu như ăn lố quá thì cuối tháng ăn mì tôm bù!
Ngoài ra, các bạn có thể chọn siêu thị và giờ đi siêu thị để tiết kiệm được nhiều hơn. Gyomu chuyên bán đồ đông lạnh siêu rẻ, đồ tuy không tươi nhưng được cái đa dạng với quan trọng hơn là rẻ, vì dù có mua đồ tươi mà mua nhiều quá thì về mình cũng bỏ tủ đông hết mà. Seiyu thì hay có trái cây giảm giá, thịt tươi cũng hay giảm nếu như sắp hết hạn (giờ giảm phụ thuộc vào giờ hết hạn của hàng hóa nên mình cũng không rõ).
Chân ái của cá nhân mình là các cửa hàng 100 yên. Nếu thích mấy thứ tiện ích hay những đồ vật xinh xinh, dụng cụ học tập v.v thì các bạn có thể đến Daiso, Can Do, còn đồ ăn thì nhất định phải ghé Lawson 100 nhé. Đồng ý là sẽ có vài món nó mắc hơn ở siêu thị mini Aeon nữa (đậu hủ, konnyaku) nhưng bù lại mình siêu thích đồ uống ở đó luôn, 1 lít sữa tươi hay 1 lít nước ép mà chỉ có 100 yên. Vậy nên hầu như mình toàn uống sữa với nước ép táo thay nước lọc, chắc do vậy nên ít đói, có tháng còn chưa dùng hết 30.000 tiền ăn.
Việc chăm sóc và chăm chút diện mạo ngày nay không chỉ dành riêng cho cánh nữ giới mà ngay cả phải nam cũng rất quan tâm! Vì thế mỹ phẩm chắc chắn là một danh mục cũng cần thiết quan tâm.
Bí quyết tiết kiệm chi tiêu về khoản này của mình là “ghi nhớ giá”.
Sẽ có rất nhiều bài viết trên mạng chỉ các bạn rằng nên mua ở chỗ A chỗ B sẽ rẻ nhất. Nhưng với mình là không có một cửa hàng nào bán tất cả các sản phẩm với rẻ nhất hết, mà chỉ có sản phẩm đó sẽ được bán rẻ nhất ở cửa hàng nào.
Ví dụ, cùng một chai sữa rửa mặt nhưng ở cửa hàng A bán 350 yên, trong khi cửa hàng B bán chỉ có 290 yên; một chai tẩy trang ở cửa hàng B bán 800 yên nhưng ở cửa hàng C nó chỉ còn 700 yên; một chai toner ở cửa hàng C bán 850 yên nhưng ở cửa hàng A chỉ có 720 yên.
Vậy nên, một bí quyết duy nhất là bạn nên nhớ giá của các sản phẩm hay dùng để có lựa chọn phù hợp. Đồng thời cũng đừng quên những khuyến mãi của cửa hàng, ví dụ như Tomod hay có tích point x10 cho thành viên mua vào các ngày được quy định, hay Matsumoto Kiyoshi sẽ giảm 20% cho người lần đầu tải và đăng ký thành viên trên app, hay Palco tặng phiếu mua hàng 1000 yên cho người đăng ký thành viên lần đầu v.v
Dù là thực phẩm hay mỹ phẩm thì mình nghĩ việc nhớ giá những món hay mua cũng là điều cần thiết nếu bạn muốn tiết kiệm chi tiêu.
Và quan trọng nữa là những cửa hàng đó đều tiện đường cho bạn, ví dụ như những nơi mình hay mua đều gần trường/nhà/chỗ làm của mình, ít nhất thì nó cũng nằm trên cung đường mình di chuyển, chứ phải tốn tiền tốn công quá nhiều trong khi tiết kiệm được có vài trăm yên thì cũng không đáng đúng không nào ^^
Việc tiết kiệm tiền tàu nhất là chọn nhà gần trường, vì nơi mình đi lại nhiều nhất là giữa trường và nơi ở. Nhưng sẽ có một vài nguyên nhân làm bạn có thể không ở gần trường. Nếu là mình thì mình sẽ chọn chỗ làm, tốt nhất là chung tuyến tàu mà bạn đi học. Ví dụ như nhà bạn ở Sugamo, trường bạn học ở Ikebukuro, vậy bạn sẽ đi Yamanote để đi học, vậy thì chọn chỗ làm cũng ở 1 ga trên tuyến Yamanote luôn, như Mejiro chẳng hạn, sau đó mua vé tháng, tiền tàu đi làm được quán trả sẽ bù được 1 phần hoặc có thể là full tiền tàu của bạn luôn.
Trên đây là một vài chia sẻ từ trải nghiệm của mình, năm 2019 thì thuế tiêu thụ vẫn là 8% chứ chưa tăng lên 10% như hiện tại. Nhưng song song với chuyện tăng thuế chính là lương làm thêm của mọi người cũng sẽ được tăng theo. Các chuỗi cửa hàng khác như thế nào thì mình không rõ, nhưng chỗ mình từng làm (và đã review trong bài) đã tăng từ 1200 yên/h lên 1300 yên/h. Vậy nên mình nghĩ nó cũng sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến các số liệu mình đã dẫn chứng trong bài!
Hy vọng bài viết Bài toán tiết kiệm chi tiêu cho du học sinh tại Nhật trên đây của mình sẽ giúp ích cho các bạn mới sang Nhật học tập hoặc làm việc, giúp các bạn phần nào đỡ bỡ ngỡ và nhanh chóng có thể thích nghi với cuộc sống tại Nhật nhé!
Phạm Hồng Hiệp
"Mình là một đứa con gái chuyên khối A từ bé, nhưng đời đưa đẩy để lúc thi Đại học mình lại chọn D1, sau đó mình theo học tại khoa Nhật Bản học (ĐHKHXHNV) và không còn đụng đến nửa chữ tiếng Anh từ dạo đó. Sau này mình có cơ hội được đến Nhật du học. Thật ra mình cũng không thích Nhật lắm đâu nhưng mình thích xê dịch và trải nghiệm lắm. Với mình, Nhật Bản không chỉ là màu hồng như lời báo lá cải hay đồn thổi. Mình cảm thấy Nhật như ánh sáng trắng vậy, có vui, có buồn, có hi vọng và cũng có mất mát. Cái quan trọng là bản thân mình sẽ trưởng thành như thế nào sau khi kinh qua hết những điều đó!"