Ngày nay, việc xuất khẩu lao động đang ngày càng là xu hướng của những bạn trẻ và Nhật Bản là một trong những thị trường “hot” nhất mà thực tập sinh lựa chọn để đến làm việc. Tuy nhiên, gần đây, chúng ta thường được nghe rằng “Cuộc sống Nhật Bản không hề màu hồng” mà đa phần đến từ các bạn thực tập sinh làm việc tại Nhật. Bởi bất kỳ đâu cũng vậy, việc lao động kiếm tiền chưa bao giờ là dễ dàng và nhất là ở nơi xứ người. Vì vậy, hôm nay chúng ta sẽ cùng điểm qua những khó khăn của thực tập sinh tại Nhật thường gặp nhé.
Thực tập sinh kỹ năng (技能実習生 Ginou Jisshuusei) tại Nhật Bản là cách gọi của những người làm việc theo chương trình hợp tác ký kết giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Thông thường, thời hạn hợp đồng của thực tập sinh sẽ là 3 năm. Thực tập sinh tại Nhật sẽ được đào tạo về kiến thức chuyên môn và kỹ thuật tiên tiến và được trả lương trong quá trình làm việc. Sau khi kết thúc hợp đồng, các thực tập sinh có thể trở về và đóng góp những gì mình học được tại Nhật cho đất nước.
Cũng chính vì điều này nên ngày nay, xu hướng đi xuất khẩu lao động ở dạng thực tập sinh kỹ năng ngày càng nhiều, từ các bạn còn rất trẻ đến những người có gia đình để mong muốn đổi đời cũng như thăng tiến hơn trong sự nghiệp.
Tiếng Nhật chính là chìa khóa quan trọng nhất để bạn có thể tồn tại bất cứ đâu tại Nhật. Tuy nhiên, bất đồng ngôn ngữ lại là khó khăn phổ biến nhất ở hầu hết các thực tập sinh, nhất là khi vừa đặt chân đến xứ sở mặt trời mọc. Đáng tiếc hơn là có những người đi Nhật 3 năm nhưng vẫn không thể giao tiếp tốt tiếng Nhật.
Sở dĩ điều này thường xảy ra nhiều ở thực tập sinh bởi nhiều lý do khách quan. Mặc dù trước khi đến Nhật, hầu hết các thực tập sinh đều được đào tạo tiếng Nhật tại công ty phái cử (công ty Xuất khẩu lao động) tại Việt Nam nhưng gần như chỉ được đào tạo đến hết trình độ sơ cấp là đã phải bay sang Nhật. Với trình độ như thế gần như rất khó có thể nghe hiểu tốt tiếng Nhật của người Nhật.
Ngoài ra, việc vừa học vừa làm ở Nhật cũng là điều rất khó khăn vì công việc của họ chiếm quá nhiều thời gian, lại còn nặng nhọc. Hơn nữa, có những công việc của thực tập sinh chỉ có “cắm mặt” vào làm việc mà không phải giao tiếp nhiều nên dẫn đến vốn tiếng Nhật không thể tiến bộ.
Tiếng Nhật là chìa khóa để sống tốt tại Nhật. Giữa người nói tiếng Nhật tốt và người không nói được tiếng Nhật, tất nhiên các bạn cũng biết cấp trên sẽ tin tưởng và giao phó những công việc chính cho ai rồi.
Nhật Bản là đất nước tân tiến nên môi trường làm việc ở Nhật cũng sẽ áp lực hơn Việt Nam rất nhiều. Nhiều người do quen với môi trường làm việc thoải mái, thân thiện ở Việt Nam nên khi vừa tiếp xúc với môi trường làm việc ở Nhật thì lại cảm thấy gò bó, dẫn đến áp lực, mệt mỏi mỗi khi làm việc. Như vậy sẽ không đem lại hiệu quả trong công việc và sẽ khó được sự tin tưởng của cấp trên.
Thực tập sinh tại Nhật nên xác định từ đầu là sẽ không có chuyện “việc nhẹ, lương cao” khi làm việc tại Nhật. Chính vì thế, thực tập sinh cần phải thay đổi tư tưởng và tâm thế để thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt tại Nhật Bản. Sau khi quen với môi trường làm việc, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Thời tiết của Nhật Bản rất khắc nghiệt. Mùa đông lạnh kéo dài, có khi xuống âm độ. Mùa hè thì rất nóng bức, khó chịu. Những ngày mưa thì mưa liên tục nhiều ngày. Đi làm mà, dù thời tiết như thế nào thì cũng không thể nghỉ. Nếu làm trong công xưởng thì còn đỡ nhưng những công việc làm ngoài trời, nhất là ngành xây dựng, nông nghiệp thì đành phải “chịu trận” làm dưới thời tiết khắc nghiệt ấy. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của thực tập sinh.
Để thích nghi được với thời tiết ở Nhật, bạn nên trang bị đầy đủ những sản phẩm giữ ấm hoặc làm mát trong những ngày đông và hè. Ngoài thời gian làm việc, bạn cũng nên dành chút thời gian để tập thể dục nâng cao sức khỏe và đề kháng tốt để có sức chống chọi lại với thời tiết khắc nghiệt ở Nhật.
Dù nhận mức lương cao hơn so với công việc ở Việt Nam, nhưng so với mặt bằng chung của Nhật Bản, mức lương của thực tập sinh tại Nhật thuộc mức thấp. Vì thế, để trang trải phí sinh hoạt đắt đỏ ở Nhật, buộc thực tập sinh phải “thắt lưng buộc bụng” thì mới có thể có được khoản tiền về nước.
Tuy nhiên, thực tế có một số thực tập sinh suy nghĩ theo hướng “làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu” nên hậu quả là sau 3 năm làm việc vất vả lại không để dành được nhiều, thậm chí “lỗ vốn”.
Mục đích lớn nhất của thực tập sinh là “Kiếm tiền tích lũy sau khi về nước” nên việc tiết kiệm chi tiêu vô cùng quan trọng.
Một trong những khó khăn của thực tập sinh đó là ngoài việc phải chịu những yêu cầu khắt khe trong công việc, họ còn phải chịu đựng những điều mà ít ai nói ra - bị bắt nạt. Bị bắt nạt ở đây có nhiều hình thức:
Đây là một số hình thức phổ biến mà thực tập sinh thường gặp khi làm việc tại Nhật. Bởi vì đa phần công việc của thực tập sinh là lao động chân tay nên việc họ bị bắt nạt thường gặp nhiều và nặng nề hơn. Có thể thấy, thực tập sinh không chỉ chịu những áp lực hữu hình mà còn nhiều áp lực vô hình khác. Nếu việc này cứ xảy ra thì lâu dần sẽ dẫn đến stress, chán ghét công việc, dễ chống đối lại sếp và đồng nghiệp.
Để hạn chế được việc bị bắt nạt thì tiếng Nhật là quan trọng nhất. Tiếng Nhật tốt sẽ giúp các bạn thực tập sinh bảo vệ được mình, nói ra được chính kiến của mình khi bị bắt nạt mà không cần phải trông cậy vào thông dịch viên.
Nếu trong trường hợp bạn không tự bảo vệ được mình thì nên liên hệ với người của nghiệp đoàn nơi mình làm việc để bảo vệ được quyền lợi của mình.
Một số công ty Xuất khẩu lao động thường hứa hẹn với thực tập sinh rằng “Chỉ cần biết một ít tiếng Nhật là có thể làm việc ở Nhật” hay “Công việc này rất nhàn hạ, lương cao”.
Tuy nhiên, sau khi sang Nhật, nhiều thực tập sinh đã gặp phải tình trạng tiền lương và tính chất công việc hoàn toàn khác so với cam kết ban đầu. Điều này dẫn đến việc thực tập sinh thất vọng về công việc vì đã hi vọng quá nhiều. Đây cũng là một trong những nguyên nhân mà thực tập sinh bỏ trốn để đi ra ngoài làm việc.
Đối với diện thực tập sinh thì bắt buộc phải có việc chung sống cùng nhà với đồng nghiệp trong suốt 3 năm. Mỗi người tính cách và “cái tôi” khác nhau nên việc mâu thuẫn trong sinh hoạt chung chắc chắn không tránh khỏi. Đây là một trong những khó khăn của thực tập sinh rất thường xuyên gặp phải.
Đối với các nam thực tập sinh thì hay phát sinh mâu thuẫn với nhau trong những lần tụ họp ăn nhậu, thậm chí việc xảy ra đánh nhau không phải hiếm. Đối với nữ thì thường phát sinh mâu thuẫn trong vấn đề vệ sinh chung trong nhà.
Tuy nhiên, việc chuyển nhà ra ở riêng đối với thực tập sinh không phải là điều đơn giản nên thường phải chấp nhận việc “chạm mặt” người mình không thích trong suốt 3 năm. Mâu thuẫn không những làm mối quan hệ đồng nghiệp trở nên xấu đi mà còn dẫn đến nhiều chuyện tiêu cực như “bằng mặt không bằng lòng”, nói xấu, chơi xấu nhau trong công việc.
Mỗi người nên hạ thấp cái tôi cá nhân của mình xuống và đặt lợi ích chung của mọi người cao hơn thì việc chung sống trong suốt 3 năm sẽ suôn sẻ và ít mâu thuẫn hơn. Nếu là những người cùng đến từ Việt Nam, chúng ta nên đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau ở nơi đất khách quê người thay vì chỉ nghĩ đến chuyện mâu thuẫn và tự chia rẽ.
Trên đây là một số những khó khăn của thực tập sinh tại Nhật thường gặp. Hi vọng dù có khó khăn như thế nào thì các bạn cũng sẽ đi tới cùng với quyết định mình đã chọn!