Những lỗi sai thường gặp phải khi phỏng vấn công ty IT | EXPERT TALKS

Trượt phỏng vấn là điều mà các bạn có thể phải đối mặt nhưng nếu sau mỗi lần không đậu phỏng vấn bạn vẫn mơ hồ về lí do mình không được chọn và dần cảm thấy chán nản thì đây là bài viết dành cho bạn. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu 5 lỗi sai thường gặp khi phỏng vấn xin việc ngành IT mà có thể nhà tuyển dụng chưa nói cho bạn biết. Hãy cùng lắng nghe chia sẻ của Anh Nguyễn Lâm Thảo - có kinh nghiệm phỏng vấn tuyển dụng các bạn kỹ sư IT với chủ đề "Những lỗi sai thường gặp phải khi phỏng vấn công ty IT" !

Nguyễn Lâm Thảo
Những lỗi sai thường gặp phải khi phỏng vấn công ty IT
Những lỗi sai thường gặp phải khi phỏng vấn công ty IT
Nguyen Lam Thao Avatar

Nguyễn Lâm Thảo

ONETECH ASIA CEO 

Giới thiệu

Anh Nguyễn Lâm Thảo, tốt nghiệp Đại học Khoa Học Tự Nhiên, ngành CNTT năm 2002, có gần 19 năm trong lĩnh vực IT. Trong đó kinh nghiệm 7 năm làm việc tại công ty IT ở Nhật. Anh đã trải qua nhiều vị trí từ lập trình viên, TechLead, PM, product owner cho công ty outsource và công ty product, trước khi về nước cùng các cộng sự sáng lập nên OneTech Asia (Công ty phần mềm) và GrowUpWork (mạng giới thiệu việc làm).

Chủ đề EXPERTS TALK:

"Những lỗi sai thường gặp phải khi phỏng vấn công ty IT​​".

 1)Nói xấu Chỉ trích công ty cũ: 

Lỗi sai đầu tiên nhưng cũng rất dễ xảy ra khi các bạn vô tình được hỏi về lý do thôi việc ở công ty trước

Ví dụ:

Trong lần tôi phỏng vấn một bạn Dev ứng tuyển vị trí: Mobile Developer. 
Với câu hỏi: 
“Tôi có đặt câu hỏi lý do nghỉ việc công ty cũ của em là gì?”
Bạn ấy đã trả lời: 
"Công ty cũ hơi ép và giao nhiều việc, em được tuyển dụng vị trí iOS nhưng công ty thiếu người em được yêu cầu làm cả android, liên tục mấy tháng em phải làm thêm giờ thế nhưng công ty lại không trả phí làm thêm giờ".

※1 Vấn đề

Trong trường hợp này nhiều khả năng nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là người có góc nhìn tiêu cực, hay than vãn về những tác động xung quanh, luôn không hài lòng và đổ lỗi về cách đối xử của công ty. Họ cũng e ngại rằng nếu nhận bạn vào thì có khả năng bạn sẽ nói xấu công ty họ với những người khác.

※2 Giải pháp

Câu trả lời tốt hơn trong trường hợp này mà bạn nên trình bày có thể như sau:
"Công ty trước em đã được tích lũy kinh nghiệm khá nhiều, em được tuyển dụng vào vị trí iOS Dev, nhưng sau đó em cũng kiêm cả android. Thời gian đầu cũng khá khó khăn, xong em đã cố gắng hết mình, thậm chí làm thêm giờ để hoàn thành công việc được giao. Tuy nhiên công ty với quy mô còn nhỏ không có nhiều cơ hội thăng tiến nên em muốn tìm một môi trường có nhiều thử thách, cống hiến, thăng tiến và phát triển hơn. Đó là lý do em muốn chuyển việc". 
Với câu trả lời này bạn sẽ tránh được hướng nói tiêu cực về công ty trước, hơn nữa nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là người nỗ lực, đa năng trong công việc, sẵn sàng dấn thân, thích nghi với môi trường mới!

※3 Lời khuyên

Khi phỏng vấn và trả lời bất cứ câu hỏi nào bạn cũng cần giữ thái độ lạc quan, thay vì tập trung vào những chi tiết tiêu cực. Không nói xấu công ty cũ, nếu được thì hãy nói những lời tốt đẹp về công ty trước của mình.

 2) Tự nêu ra điểm yếu

Các bạn IT thường là những bạn khá hiền và trầm tính, đặc biệt là rất khiêm tốn, ít thể hiện bản thân và có xu hướng nhìn thấy điểm yếu hơn là những điểm mạnh của bản thân. 
Chính vì thế trong quá trình phỏng vấn khi được yêu cầu thế mạnh bản thân các bạn cũng thường vô tình đề cập những điểm yếu của mình.

Ví dụ: 
Các bạn thường trả lời như sau:

"Em có học tiếng Anh/tiếng Nhật rồi nhưng mà em chưa giao tiếp nhiều nên cũng chưa tự tin lắm",
“Em làm được frontend nhưng mà em chưa có nhiều kinh nghiệm về backend",
“Em đã học được ngôn ngữ lập trình Java rồi nhưng em chưa làm được dự án thực tế”, v.v...

※1 Vấn đề

Bạn chưa tự tin để khẳng định những lợi thế khi yêu cầu trình bày các thế mạnh, các bạn thường nói ra thế mạnh rồi kèm từ “Nhưng” + <điểm yếu>.
Khi nhà tuyển dụng chưa đề cập gì đến khuyết điểm của bạn mà các bạn lại vô tình nêu ra những điểm này lúc đang trình bày những điểm mạnh thì họ sẽ nhận định bạn kém tự tin, năng lực còn thiếu.

※2 Lời khuyên

Bạn nên tập trung tự tin nói nhiều về điểm mạnh, không nêu ra điểm yếu của mình nếu nhà tuyển dụng không hỏi.

 3)Nói lan man/nói nhiều về bản thân

Các bạn ứng viên chưa có kinh nghiệm khi phỏng vấn và chuẩn bị câu trả lời cho các câu hỏi thường gặp thì rất mắc phải lỗi nói lan man/ nói nhiều về bản thân và các thông tin không nằm trong câu hỏi. 

Khi một nhà tuyển dụng hẹn bạn phỏng vấn, chắc chắn họ cũng sẽ hẹn những ứng viên khác và bản thân họ cũng có rất nhiều công việc để xử lý trong ngày nên chỉ có thể dành thời gian cho bạn khoảng 30 phút.

Ví dụ:
Có bạn khi được mời giới thiệu bản thân thì bạn lại tập trung giải thích chi tiết luôn dự án của bạn một cách say sưa và không cần thiết đến mức nhà tuyển dụng buộc bạn dừng tại đó. Như vậy, bạn đã mắc vào lỗi lan man, lạc đề.

※1 Vấn đề

Điều này có thể làm cho nhà tuyển dụng bực bội và ấn tượng không tốn về bạn. Hơn thế nữa, khi bạn trả lời lan man sẽ làm mất thời gian của chính mình và sẽ lỡ mất cơ hội để trình bày những điểm trọng tâm nổi bật và có giá trị.

※2 Giải pháp

Để tránh mắc phải lỗi này, đặc biệt nếu bạn chưa từng phỏng vấn ở đâu trước đây thì hãy chuẩn bị các câu trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn thường gặp trước khi phỏng vấn. Bạn có thể search trên Internet những câu hỏi chung và câu hỏi cho vị trí công việc bạn đang ứng tuyển để chuẩn bị câu trả lời cho chúng.
Hoặc ít nhất bạn có thể hình dung những ý bạn sẽ trình bày với các loại câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể sẽ hỏi.

※3 Lời khuyên

Khi trả lời hãy tập trung vào điểm chính, quan trọng mà nhà tuyển dụng cần nghe một cách cô đọng nhất. Tránh trình bày quá nhiều đặc biệt là về đời tư không liên quan đến công việc. Mỗi câu trả lời không quá 2 phút.

 4) Trả lời vòng vo

Lỗi thứ tư này nghe có chút giống với lỗi trước. Tuy nhiên lỗi này sẽ nhấn mạnh vào hình thức thứ tự bạn trình bày một vấn đề cho câu hỏi của nhà tuyển dụng

Ví dụ: 
Khi một ứng viên được hỏi: 
“Bạn có kinh nghiệm về lập trình .NET hay không?” 

Bạn trả lời: 
“Lúc đại học em được học nhiều về Java, Python và trong đó cũng có tìm hiểu về .NET, cũng có thử lập trình .NET rồi nhưng mà chưa tham gia dự án thực tế” 

Lỗi ở đây là bạn đã không trả lời là có hay không có kinh nghiệm trước mà lại giải thích rất nhiều xung quanh câu hỏi.
Cách trả lời này thường bắt nguồn từ tâm lý không dễ dàng chấp nhận thực tế và e ngại thừa nhận những điều mình chưa làm được nên trả lời rất lòng vòng, thiếu đi tính thẳng thắn. Như vậy, các bạn đã mắc vào lỗi trả lời vòng vo.

※1 Vấn đề

Nhà tuyển dụng đang mong chờ kết quả câu trả lời yes/no. Nếu bạn không đưa ra câu trả lời yes/no mà lại giải thích vòng vo có thể bị đánh giá là người không rõ ràng, hay bào chữa và kỹ năng giao tiếp kém.

※2 Giải pháp

Với ví dụ trên, ta cùng tham khảo gợi ý khắc phục như sau:
“Em chưa có kinh nghiệm .NET. Lúc ở trường Đại Học em đã được học nếu có cơ hội được giao công việc em tự tin làm được.”
Với câu trả lời này bạn đã trả lời trực tiếp điều mà nhà tuyển dụng muốn biết. Sau đó, bạn giải thích thêm về mức độ bạn biết về kỹ thuật được hỏi và thể hiện tinh thần sẵn sàng học hỏi để đáp ứng yêu cầu công việc.

※3 Lời khuyên

Chìa khóa để tránh lỗi này là hãy luôn nhắc nhở bạn thân bạn về thứ tự trả lời
[YES/NO ---> Giải thích thêm]

 5) Tự tin thái quá

Tự tin là một điểm tốt nhưng bạn cũng cần lưu ý cách thể hiện sự tự tin của mình trước nhà tuyển dụng liệu có phù hợp chưa. 

Chẳng hạn, trong bất cứ lời khẳng định nào bạn cũng tự đánh giá, đề cao khả năng của bản thân một cách phi lý như: 
“Ở công ty trước nếu không có em thì dự án đã thất bại”. 
“Hầu như mọi vấn đề em đều giải quyết được hết”. 

※1 Vấn đề

Nếu bạn mắc phải lỗi này sẽ khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ vào khả năng của bạne ngại khả năng sẵn sàng học hỏi lắng nghe những người xung quanh khi tham gia vào môi trường làm việc của họ vì cho rằng bạn quá tự cao.

※2 Lời khuyên

Hãy vừa thể hiện sự chân thật, tự tin đồng thời khiêm tốn trong các câu trả lời và phong thái của bạn. Xây dựng cho  nhà tuyển dụng sự tin tưởng, cảm giác bạn là người thẳng thắng tự tin và sẵn sàng lắng nghe góp ý.


Ban biên tập chân thành cảm ơn anh đã dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm quý báu đến các đọc giả của blog GrowUpWork, chúc anh sức khỏe và thành công!


Tin tức liên quan

Chia sẻ kinh nghiệm làm việc ở vị trí Technical Lead | EXPERT TALKS

Experts/Seniors Talk| 2021-12-10
Technical Lead là một trong những vị trí công việc cao, đồng nghĩa với trách nhiệm và thử thách rất lớn, xem nội dung phỏng vấn của anh Phúc để hiểu rõ hơn nhé.

Làm sao để người hướng nội Leadership hiệu quả | EXPERT TALKS

Experts/Seniors Talk| 2021-12-10
Nhận biết được người hướng nội, các điêm mạnh của người hướng nội & giúp các bạn tận dụng điểm mạnh trong công việc, đặc biệt trong vai trò quản lý hoặc lãnh đạo.

Làm sao để thăng tiến trong công ty IT | EXPERT TALKS

Experts/Seniors Talk| 2021-12-10
Với khoảng thời gian làm việc và tiếp xúc với nhân viên IT nhiều năm, chị Thảo sẽ cùng chia sẻ với chúng ta về chủ đề “Làm sao để thăng tiến trong công ty IT”.

Những lỗi sai thường gặp phải khi phỏng vấn công ty IT | EXPERT TALKS

Experts/Seniors Talk| 2021-12-10
Trượt phỏng vấn là điều mà bạn có thể phải đối mặt nhưng biết được lý do thất bại và lỗi sai thường gặp sẽ giúp bạn chuẩn bị cho buổi phỏng vấn tiếp theo thuận lợi hơn.


Việc tạo CV đúng chuẩn giúp gia tăng cơ hội trúng tuyển của bạn ít nhất 20%. Hãy nhanh tay tạo CV Rirekisho chuẩn Nhật hoặc CV chuẩn tiếng Anh theo các mẫu chuyên nghiệp nhất của GrowUpWork chúng tôi dưới đây nhé!