Chia sẻ trải nghiệm làm thêm tại chuỗi cửa hàng Kitchen Origin
Từng có thời gian du học tại Nhật khi còn là sinh viên! Nên bạn Phạm Hồng Hiệp có rất nhiều trải nghiệm đáng nhớ! Trong bài viết này, sẽ xoay quanh chủ đề làm thêm tại Nhật, hoàn toàn dựa trên trải nghiệm thực tế của bạn Hiệp khi làm thêm tại Origin, cụ thể là Kitchen Origin một chuỗi cửa hàng kinh doanh F&B tại Nhật. Mời các bạn đón đọc!
Origin thuộc Origin Toshu Co.,Ltd, trực thuộc tập đoàn Aeon.
Origin có Kitchen Origin, Origin Bento và Origin Delica. Bài này mình sẽ chia sẻ về Kitchen Origin, nơi mình đã có cơ hội học hỏi và làm việc.
Món ăn ở đây được bán khá đa dạng và thực đơn theo đổi theo mùa (như nhiều quán ăn/nhà hàng khác ở Nhật). Các món nấu sẵn sẽ được bày ở các quầy trong cửa hàng, ngoài ra bạn cũng có thể order để nhân viên nấu ngay các món nằm trong thực đơn của cửa hàng nữa.
Giá cả của Origin khá ổn, theo cảm nhận của mình là khá rẻ so với chất lượng.
Vị của các món ăn cũng ổn, có các món theo vị truyền thống của Nhật, cũng có các món Hoa (vị không thuần cho lắm, mình thấy nó hơi lai giữa vị Nhật và Trung).
Tìm việc làm thêm ở Origin như thế nào?
Phỏng vấn và hồ sơ cần chuẩn bị
Lương làm thêm ở Origin như thế nào?
Tìm việc làm thêm ở Origin như thế nào?
Mình không biết các khu vực khác như thế nào nhưng lúc trước mình ở Bunkyo (khu vực có Toei Mita Line đi qua) thì thấy quán ở đó khá thiếu nhân viên làm thêm nên quy trình tuyển cũng khá dễ.
Mình thì có quen với một bạn đang làm ở đó nên được bạn shoukai (giới thiệu, 紹介) giúp cho. Bạn giới thiệu mình với tencho (quản lý, 店長) (sau đây mình gọi là chồ)(*), sau đó bạn giúp mình hẹn ngày phỏng vấn với chồ luôn.
Nếu các bạn không có người quen để nhờ shoukai thì các bạn có thể để ý các biển đăng tuyển baito (làm thêm, バイト) thường được dán ở gần cửa ra vào của các cửa hàng. Nếu thấy biển đăng tuyển, các bạn cứ mạnh dạn vào thẳng quán và hỏi nhân viên của ca làm đó, họ sẽ hướng dẫn giúp các bạn!
Phỏng vấn và hồ sơ cần chuẩn bị
Sau khi được bạn mình giới thiệu và hẹn ngày giờ với chồ thì mình đến phỏng vấn. Lúc đi phỏng vấn, các bạn nhớ mang theo CV để tiện trao đổi cũng như để lưu hồ sơ.
Mình thấy phỏng vấn cũng khá dễ.
Hôm đó mình được phỏng vấn trực tiếp với chồ khu vực (chikuchou, 地区長) (hiểu nôm na là người quản lý của một khu lớn, nếu tencho quản lý 1 cửa hàng thì chồ khu vực sẽ là cấp trên của tencho, thường quản khoảng tầm 7-8 tencho). Nguyên nhân tại sao mình lại không phỏng vấn với tencho mà lại phỏng vấn với chikucho thì chỉ đơn giản vì hệ thống bị thiếu người nên chikuchou của khu đó kiêm luôn chức tencho của quán mình đến phỏng vấn. Mà chuyện này cũng không có gì quan trọng, các bạn cũng không cần để ý =))
Hôm đó chikuchou đưa 1 danh sách các quán do ông quản lý ra bảo mình đọc tên quán, rồi đưa menu ra cho mình đọc tên món ăn. Vậy là kết thúc vòng phỏng vấn.
Tên quán hay gắn liền với tên ga, mà mình sống ở khu đó nên chuyện đọc được tên quán cũng là chuyện vô cùng bình thường. Hơn nữa, thời điểm đó mình đã sang Nhật được nửa năm rồi nên việc đọc tên món ăn cũng không quá vất vả như hồi đầu mới sang nữa.
Tuy nhiên, đối với các bạn không tự tin phần này thì mình nghĩ các bạn có thể lên trang web của Origin, tìm menu, sau đó tra cách đọc tên các món ăn trong menu, nếu có người quen thì có thể nhờ họ chỉ giúp để tiết kiệm thời gian tra google cũng được.
Sau khi phỏng vấn xong thì chồ sẽ hẹn các bạn một hôm khác mang hồ sơ đến để hoàn tất việc tuyển dụng. Các bạn chuẩn bị sổ ngân hàng, thẻ gai, bảo hiểm, con dấu là được, còn việc photo thì chồ sẽ giúp các bạn photo luôn.
Ngoài ra, chồ sẽ đăng ký thông tin cho bạn trên web. Thật ra thì các bạn cũng không cần chuẩn bị gì, hôm đăng ký chồ sẽ đưa cho bạn Ipad, các bạn nhập các thông tin được yêu cầu vào (thông tin cơ bản như tên họ, địa chỉ, số điện thoại,v.v) chỗ nào không hiểu thì cứ nhờ chồ giúp là được. Tầm khoảng 20 phút là xong hết thủ tục rồi!
Lương làm thêm ở Origin như thế nào?
So với các quán gyudon như Sukiya, Yoshinoya, hay Matsuya thì lương ở Origin thấp hơn một xíu nhưng mình thấy lương và công sức bỏ ra thật sự đi đôi với nhau!
Origin cũng có chế độ kenshu (thực tập/học việc, 研修), trong khoảng thời gian đó, bạn sẽ nhận được mức lương thấp hơn lương bình thường 50 yên/h. Ví dụ lương của bạn là 1100 yên/h thì thời gian kenshu bạn sẽ nhận được 1050 yên/h. Thời gian kenshu kéo dài trong 3 tháng hoặc đến khi bạn có thể thành thạo việc ở reji (thu ngân, レジ)lẫn ở bếp. Về vấn đề lương kenshu này, mình nghĩ các bạn nên hỏi trực tiếp lúc phỏng vấn để chắc chắn hơn, phòng trường hợp luật có thay đổi.
Làm thêm ở Origin có gì vui?
Mình không có quá quá nhiều trải nghiệm làm thêm nhưng trong các nơi mình đã từng có cơ hội tiếp xúc và làm việc thì mình thích Origin nhất.
Nguyên nhân đầu tiên có lẽ là vì cảm giác quán khá yên bình. Khách hàng phần lớn là người già, nhân viên văn phòng, v.v nên mọi người cũng khá thong thả và lịch sự. Những ai đã chọn ăn ở Origin thường sẽ khá trung thành, nên nếu bạn làm cố định một ca nào đó, bạn dễ dàng bắt gặp những người khách “ruột” của quán. Các vị khách quen này cũng thân thiện lắm, nếu có duyên thì biết đâu mọi người có thể trở thành bạn của nhau cũng không chừng :v
Thứ hai là đồng nghiệp. Mình thấy mọi người ở Origin rất gần gũi và dễ thương. Một ca làm thường sẽ có 2 người thôi, vì mình là người nước ngoài nên người còn lại trong ca sẽ là người Nhật, vậy nên cơ hội để giao tiếp, cải thiện tiếng Nhật cũng sẽ nhiều hơn.
Thứ ba, công việc đơn giản, quản lý dễ chịu, môi trường làm việc khá thoải mái =)) Lúc phỏng vấn thì chikucho cũng có hỏi mình là có thể đến các quán khác hỗ trợ nếu như quán đó thiếu người không, mình có đồng ý nên từ sau khi vào làm mình gần như là đã làm ⅞ quán thuộc quyền quản lý của chikucho luôn =)) Với mọi người thì việc làm nhiều nơi sẽ bất tiện (di chuyển, không quen các bày trí ở quán, sự khác nhau trong cách làm việc, v.v) nhưng mình lại khá thích chuyện đó. Vì khi đi nhiều nơi, các bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều người, biết được nhiều thứ hơn, chưa kể là bạn sẽ được thương yêu hơn khi đến quán khác (vì bạn đang là người đi giúp đỡ, hỗ trợ họ lúc thiếu người).
Những vấn đề có thể phát sinh trong lúc làm thêm
Như ở trên mình có đề cập, phần lớn khách đến quán là người già, mà người già thường kỹ tính, nên đôi khi các bạn có thể bị bắt lỗi, cáu gắt dù bạn có thể không làm gì sai. Nhưng đi làm thì cũng sẽ có những lúc bị như vậy, họ là khách nên mình cũng không biết nên làm gì :( Có mấy lần mình cũng bị khách hàng bắt lỗi hơi cực đoan, may mắn là có bạn Nhật làm chung đối đáp lại giúp, đến bây giờ vẫn còn thấy biết ơn bạn.
Ngoài ra thì mình không thích bếp ở đây, những lúc nhiều order phải đứng nấu liên tục thì siêu nóng luôn.
Một vấn đề khác mà mình đã gặp nữa là bị đồng nghiệp bắt nạt. Mà mình toàn bị người Việt bắt nạt thôi chứ các bạn nước khác hay mấy bạn Nhật chả ai bắt nạt mình bao giờ. Cũng có thể là lỗi do mình, mà mình cũng không biết nữa, mình nghĩ các bạn chỉ cần làm tốt công việc của bản thân là được rồi!
Việc làm thêm không phải là cả đời, nó như một người bạn đồng hành và giúp bạn trang trải chi phí nơi đất khách, cũng là những trải nghiệm thú vị và đáng nhớ! Hy vọng bài viết Chia sẻ trải nghiệm làm thêm tại Origin ,chuỗi cửa hàng trên đây của mình sẽ giúp ích cho các bạn mới sang Nhật học tập hoặc làm việc tốt hơn, giúp các bạn phần nào đỡ bỡ ngỡ và nhanh chóng tìm được việc cũng như thích nghi với cuộc sống tại Nhật nhé!
(*) chồ (chữ Hán: 店長, Furigana: てんちょう, Romaji: tencho)là cách gọi mà mọi người hay gọi người quản lý cửa hàng ở Nhật, xuất phát từ cách phát âm của chữ 店長.
Về tác giả:
Phạm Hồng Hiệp
"Mình là một đứa con gái chuyên khối A từ bé, nhưng đời đưa đẩy để lúc thi Đại học mình lại chọn D1, sau đó mình theo học tại khoa Nhật Bản học (ĐHKHXHNV) và không còn đụng đến nửa chữ tiếng Anh từ dạo đó. Sau này mình có cơ hội được đến Nhật du học. Thật ra mình cũng không thích Nhật lắm đâu nhưng mình thích xê dịch và trải nghiệm lắm. Với mình, Nhật Bản không chỉ là màu hồng như lời báo lá cải hay đồn thổi. Mình cảm thấy Nhật như ánh sáng trắng vậy, có vui, có buồn, có hi vọng và cũng có mất mát. Cái quan trọng là bản thân mình sẽ trưởng thành như thế nào sau khi kinh qua hết những điều đó!"
Tin tức liên quan
Những kỹ năng bạn cần học hỏi trong Blockchain Developer Roadmap
Thực trạng nghề Tester tại Việt Nam ở hiện tại và tương lai
Quản trị hệ thống là gì? Những kỹ năng quan trọng nhất của một System Admin
Hướng dẫn chọn nghề theo tính cách của bạn