Blockchain là gì? Lập trình blockchain có thực sự HOT?

Sự phát triển của công nghệ blockchain và hệ sinh thái của nó tạo ra cơ hội phát triển nghề nghiệp cực hot cho các lập trình viên theo đuổi lĩnh vực này. Bài viết dưới đây GrowUpWork sẽ giúp các bạn tìm hiểu chi tiết về công nghệ Blockchain là gì? Mức lương của lập trình viên Blockchain là bao nhiêu? cũng như các thông tin, cơ hội nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực cực HOT này nhé!

Blockchain là gì? 

Blockchain là công nghệ chuỗi – khối, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp, các thay đổi phát sinh đều được giám sát chéo nhau một cách chặt chẽ trên một mạng ngang hàng. 

Mỗi khối (block) phải chứa ít nhất thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với khối trước đó thành chuỗi (chain), kèm theo đó là một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Dữ liệu khi đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được. Blockchain được thiết kế để chống lại việc gian lận và thay đổi của dữ liệu sau khi đã được tạo.

Blockchain là gì? Nghề lập trình công nghệ blockchain có thực sự HOT lương cao?
Blockchain là gì? Tìm hiểu tất tần tật về công nghệ Blockchain

Blockchain được tạo ra để chống lại sự cố ý can thiệp thay đổi dữ liệu, đồng thời công nghệ blockchain (Blockchain technology) có một tính chất rất đặc thù đó là việc truyền tải dữ liệu không đòi hỏi bất kỳ “trung gian tin cậy”cụ thể nào để xác nhận thông tin. Bởi hệ thống này được xác thực bởi chính những node hoạt động độc lập tham gia vào trong mạng lưới của nó. Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

Đây là một hệ thống đảm bảo sự minh bạch và an toàn rất cao cho các dữ liệu nhạy cảm trước các nguy cơ bị đánh cắp, nhất là các dữ liệu quan trọng như tài khoản ngân hàng online, tài khoản thẻ thanh toán, thông tin y tế, thông tin chính phủ, thông tin cá nhân và các giao dịch… Bởi ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain bị tấn công, thì các phần khác không bị ảnh hưởng và vẫn tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin cũng như tái xây dựng lại các phần bị mất/hỏng.

Lịch sử của Blockchain, nó ra đời như thế nào?

Công nghệ blockchain xuất hiện từ bao giờ? Satoshi Nakamoto là ai? Blockchain có phải là tên gọi khác của Bitcoin hay không?

Lịch sử Blockchain ra đời vào năm 2008 với việc lần đầu tiên công bố phát minh và thiết kế bởi một người hoặc tổ chức ẩn danh có nickname là Satoshi Nakamoto và công nghệ này được hiện thực hóa vào năm sau đó với sự ra đời của đồng Bitcoin, khi công nghệ blockchain đóng vai trò như là một cuốn sổ cái cho tất cả các giao dịch. Qua việc sử dụng mạng lưới ngang hàng và một hệ thống dữ liệu phân cấp, Bitcoin blockchain được quản lý hoàn toàn tự động.

Việc phát minh ra blockchain và ứng dụng cho Bitcoin đã làm cho đây trở thành loại tiền tệ kỹ thuật số đầu tiên giải quyết được vấn đề double spending (chi tiêu gian lận khi 1 lượng tiền được dùng 2 lần). Công nghệ này của Bitcoin đã trở thành nguồn cảm hứng cho một loạt các ứng dụng khác trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Video giới thiệu Blockchain là gì cũng như cách hoạt động của công nghệ Blockchain


Nguồn gốc ý tưởng ban đầu của Blockchain

Ý tưởng đằng sau công nghệ blockchain được mô tả ngay từ năm 1991 khi các nhà nghiên cứu Stuart HaberW. Scott Stornetta giới thiệu một giải pháp thực tế về mặt tính toán để đánh dấu thời gian các văn bản số để chúng không bị đề lùi ngày về trước hoặc can thiệp vào để sửa đổi. 

Hệ thống đã sử dụng một chuỗi gồm các khối được bảo mật bằng mật mã để lưu trữ các văn bản được đánh dấu thời gian, và năm 1992, các cây Merkle đã được tích hợp vào thiết kế, khiến nó trở nên hiệu quả hơn bằng cách cho phép một khối có thể tập hợp một vài văn bản. Tuy nhiên, công nghệ này đã không được sử dụng và bằng sáng chế đã hết hạn vào năm 2004, bốn năm trước khi Bitcoin và Blockchain chính thức ra đời.

Bitcoin đồng tiền thuật toán đầu tiên ứng dụng Blockchain

Vào cuối năm 2008, cuốn sách trắng giới thiệu về hệ thống tiền mặt điện tử mạng ngang hàng, phi tập trung – tên là Bitcoin – đã được đăng trên danh sách nhận thư về mật mã học bởi một người hoặc tổ chức lấy biệt danh là Satoshi Nakamoto.

Vào ngày 3 tháng 1 năm 2009, Bitcoin ra đời khi Satoshi Nakamoto đào được khối bitcoin đầu tiên, đem lại phần thưởng 50 bitcoin. Người nhận Bitcoin đầu tiên là Hal Finney, ông ta nhận được 10 bitcoin từ Satoshi Nakamoto trong giao dịch bitcoin đầu tiên của thế giới vào ngày 12 tháng 1 năm 2009.

Đặc điểm chính của Blockchain là gì?

  • Không thể làm giả, không thể phá hủy các chuỗi Blockchain: theo như lý thuyết thì chỉ có máy tính lượng tử mới có thể giải mã Blockchain và công nghệ Blockchain biến mất khi không còn Internet trên toàn cầu.
  • Bất biến: dữ liệu trong Blockchain không thể sửa (có thể sửa nhưng sẽ để lại dấu vết) và sẽ lưu trữ mãi mãi.
  • Bảo mật: Các thông tin, dữ liệu trong Blockchain được phân tán và an toàn tuyệt đối.
  • Minh bạch: Ai cũng có thể theo dõi dữ liệu Blockchain đi từ địa chỉ này tới địa chỉ khác và có thể thống kê toàn bộ lịch sử trên địa chỉ đó.
  • Hợp đồng Thông minh: là hợp đồng kỹ thuật số được nhúng vào đoạn code if-this-then-that (IFTTT), cho phép chúng tự thực thi mà không cần bên thứ ba.

Cấu trúc của công nghệ Blockchain là gì?

Công nghệ blockchain tương đồng với cơ sở dữ liệu, chỉ khác ở việc tương tác với cơ sở dữ liệu. Để hiểu rõ về blockchain và thuật toán của nó hoạt động như thế nào, ta cần nắm được năm định nghĩa hay đặc điểm sau: 

  • Chuỗi khối (blockchain)
  • Thuật toán đồng thuận hay cơ chế phân tán đồng đẳng (Distributed)
  • Tính toán tin cậy (trusted computing)
  • Hợp đồng thông minh (smart contracts) 
  • Bằng chứng công việc (proof of work). 

 Những đặc điểm chính của công nghệ Blockchain trên cùng với mô hình tính toán của nó chính là nền tảng của việc tạo ra các ứng dụng phân tán về sau.

Chi tiết những đặc tính cơ bản của công nghệ blockchain bao gồm:

Chuỗi khối (The blockchain) 

Một chuỗi khối giống như một nơi để lưu trữ dữ liệu bán công cộng trong một không gian chứa (khối). Bất cứ ai trong hệ thống cũng có thể xác nhận việc bạn nhập thông tin vào vì trong khối chứa có chữ ký của bạn, nhưng chỉ có bạn (hoặc một chương trình) có thể thay đổi được dữ liệu của khối đó vì chỉ có bạn cầm khóa bí mật cho dữ liệu đó.

Vì thế chuỗi khối blockchain hoạt động gần giống như một cơ sở dữ liệu, ngoại trừ phần thông tin được lưu trữ mã hóa và phần header của nó là công khai.

Dữ liệu lưu trữ có thể là bất cứ thông tin gì: một văn bản, hình ảnh, video hoặc một số dư tiền mã hóa. Một chuỗi khối hoạt động như một hệ thống lưu chuyển giá trị thay thế mà không một quyền lực tập trung hay bên thứ ba nào có thể chen vào (vì quá trình hoàn toàn dựa trên mã hóa bảo mật). Nó được dựa trên quyền công khai/ bí mật của chuỗi khối: nhìn thì công khai nhưng kiểm soát là bí mật.

Thuận toán đồng thuận (Distributed)

Thuận toán đồng thuận hay cơ chế phân tán đồng đẳng (Distributed) - Cơ chế này ngược lại với mô hình cổ điển về cơ chế đồng thuận tập trung – nghĩa là khi một cơ sở dữ liệu tập trung được dùng để quản lý việc xác thực giao dịch. Một sơ đồ phân tán đồng đẳng chuyển giao quyền lực và sự tin tưởng cho một mạng lưới phân tán đồng đẳng và cho phép các nút của mạng lưới đó liên tục lưu trữ các giao dịch trên một khối (block) công cộng, tạo nên một chuỗi (chain) độc nhất: chuỗi khối (blockchain). Mỗi khối kế tiếp chứa một “hash” (một dấu tay độc nhất) của mã trước nó; vì thế, mã hóa (thông qua hàm hash) được sử dụng để đảm bảo tính xác thực của nguồn giao dịch và loại bỏ sự cần thiết phải có một trung gian tập trung. Sự kết hợp của mã hóa và công nghệ blockchain lại giúp đảm bảo rằng sẽ không bao giờ một giao dịch được lưu trữ lại hai lần.

Thuận toán đồng thuận hay cơ chế phân tán đồng đẳng (Distributed) giúp xác thực các giao dịch một cách tin cậy mà không cần dựa vào một bên thứ ba nào
Thuận toán đồng thuận hay cơ chế phân tán đồng đẳng (Distributed) giúp xác thực các giao dịch một cách tin cậy mà không cần dựa vào một bên thứ ba nào

Hợp đồng thông minh (smart contracts)

Công nghệ Blockchain cung cấp nền tảng để khởi chạy hợp đồng thông minh (smart contracts). Đây là những chương trình tự động, ẩn danh chạy trên nền tảng blockchain và thực hiện theo những điều kiện cụ thể để thực hiện một chức năng nào đó.

Ví dụ: Một hợp đồng bảo hiểm mà hành khách sẽ được nhận đền bù tự động khi chuyến bay bị hủy. Trong cuộc sống thực, việc này sẽ mất khá nhiều thời gian để đi đến kết luận cuối cùng, cần phải thẩm định, xác minh, trả tiền cho người nhận đền bù (hành khách). Điều gì sẽ xảy ra nếu toàn bộ quá trình này được tự động hóa với sự tin tưởng, minh bạch và được thực hiện nhờ quá trình bảo mật mã hóa giúp cho hợp đồng thông minh nhận được thông tin rằng chuyến bay đã bị hủy và nó sẽ tự động thực hiện thanh toán đền bù cho hành khách? Và nếu chuyến bay khởi hành đúng giờ, hợp đồng thông minh sẽ tự thanh toán cho hãng máy bay.

Đây thực sự là bước đột phá mang tính cách mạng của blockchain khi nó mang lại sự linh hoạt, tốc độ, bảo mật và tự động hóa hoàn toàn. Điều này có thể tạo nên một hệ thống được tin tưởng tuyệt đối mà vẫn cắt giảm được chi phó. Hợp đồng thông minh có thể được lập trình để thực hiện các hành động mà người dùng cần và tùy theo từng yêu cầu kinh doanh cụ thể.

Hợp đồng thông minh: là các dữ liệu kèm trong khối để xây dựng nên các ứng dụng phi tập trung dựa trên nền tảng blockchain. Một hợp đồng thông minh tương đương với một chương trình nhỏ mà bạn có thể tin tưởng với một đơn vị giá trị và quản lý giá trị đó. Ý tưởng cơ bản đằng sau hợp đồng thông minh là sự quản lý bằng khế ước đối với một giao dịch giữa hai bên liên quan hay nhiều hơn có thể được xác minh theo thứ tự thông qua chuỗi khối, thay vì thông qua một quan tòa tập trung. Sao phải dựa vào một quyền lực tập trung trong khi hai hay nhiều bên tham gia có thể đồng thuận lẫn nhau, và khi họ có thể đưa ra các điều khoản và thực thi sự đồng thuận bằng chương trình và các điều kiện, tiền sẽ được chuyển tự động khi hoàn thành một số dịch vụ.

Tài sản thông minh: Với công nghệ Blockchain ta có thể liên kết một tài sản thực và một tài sản số trên blockchain một cách an toàn và chính xác, điều mà trước nay không ai có thể làm được. Bạn có thể quản lý tài sản của mình và nó sẽ không thể bị sao chép hay chi tiêu 2 lần (double-spent) hay thuộc sở hữu của 2 người (double-owned).

Ví dụ: Khi so sánh điều này với một file nhạc số, file nhạc số có thể bị sao chép nhiều lần mà không ai kiểm soát được. Mặc dù digital rights management (DRM) (cơ chế quản lý các quyền trên mạng điện tử) được sử dụng song hành cùng luật bản quyền, không có luật nào có hiệu lực theo cách một cơ chế DRM trên nền tảng blockchain có thể làm được. Blockchain mang đến những tính năng khiến DRM có thể được thực thi đầy đủ. 

Tính toán tin cậy (trusted computing)

Khi bạn kết hợp các nền tảng đằng sau chuỗi khối, cơ chế đồng thuận phi tập trunghợp đồng thông minh, bạn sẽ nhận ra rằng chúng hỗ trợ cho việc truyền bá các nguồn lực và giao dịch theo một cách ngang hàng, và trong khi làm điều đó, chúng cho phép các máy tính tin tưởng và xác thực lẫn nhau ở một mức độ sâu.

Vì vai trò của chuỗi khối là người xác nhận giao dịch minh bạch, mỗi khối ngang hàng có thể tiếp tục tin tưởng lẫn nhau tuân theo các quy luật tin tưởng nằm trong công nghệ này.

Bằng chứng công việc (Proof of work)

Các node tham gia vào hệ thống Blockchain (được gọi là các miner - thợ đào) cùng thực hiện các tính toán để tìm ra hash cho khối block mới thỏa mãn các điều kiện nhất định (điều kiện càng khó thì càng tốn nhiều tài nguyên và thời gian để tính toán). Node nào tính ra kết quả đầu tiên của 1 block mới sẽ được phần thưởng (coin/token).

Và để giành được các phần thưởng, các node cần đẩy nhanh tốc độ và khối lượng tính toán. Tức là phải nâng cấp phần cứng xử lý (máy đào bitcoin). Càng nhiều máy đào mạnh tham gia sẽ giúp tốc độ tính toán của toàn hệ thống tăng lên và thời gian xử lý sinh ra khối mới sẽ ngắn lại.

Bằng chứng công việc là khối then chốt xây dựng nên blockchain vì nó không thể “sửa lại” và được bảo vệ thông qua sức mạnh của hàm hash mã hóa.

Bằng chứng cổ phần (Proof of Stake hay - PoS)

Trái ngược với PoW, thuật toán bằng chứng cổ phần PoS là một cách khác để xác minh các giao dịch. Theo đó người tạo ra khối mới sẽ được lựa chọn một cách ngẫu nhiên, dựa trên giá trị cổ phần (hay còn gọi là stake) của họ có. Người này (các validator - người kiểm định) có trách nhiệm xác nhận tính hợp lệ của các khối mới. Để trở thành một người xác nhận PoS, thì người này phải đặt cọc một khoản tiền nhất định (đó là stake, và khoản tiền này sẽ bị mất nếu người này thực hiện xác nhận một giao dịch gian lận) và người xác nhận chỉ được khai thác.

Và tất nhiên khi xác nhận được một khối thành công và hợp lệ, người xác nhận sẽ nhận được phần thưởng là khoản tiền phí liên quan của các giao dịch tương ứng trong khối đó.  Nếu người này không muốn tiếp tục làm người xác nhận, sau một khoảng thời gian nhất định để xác thực người này đã không thực hiện bất kỳ một xác nhận giả mạo nào, thì cổ phẩn stake và số tiền kiếm được của họ sẽ được hoàn lại vào tài khoản. Như vậy, thuật toán PoS cũng sẽ làm rất mất thời gian và tiền để thực hiện một xác nhận một khối block giả.

PoS được xem là một giải pháp thay thế cho PoW vốn hiệu quả nhưng đòi hỏi rất nhiều tài nguyên trong việc thực hiện các tính toán xử lý. Như vậy thay vì tất các các node đều tham gia vào việc tính toán thì PoS sẽ chỉ làm việc với một số giới hạn các Validator ít hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, việc chọn Validator để xác định khối mới dựa trên số tiền đặt cọc stake nhiều nhất sẽ dấn tới việc tập chung hóa, vốn đi ngược lại với quy luật vì thành viên giàu nhất sẽ có lợi nhiều nhất. Do vậy một số phương pháp lựa chọn Validator khác được đưa ra như “dựa trên các nút ngẫu nhiên” hoặc “dựa trên thời gian nắm giữ tài sản”.

Delegated Proof-of-Stake (Uỷ quyền Cổ phần): 

Phổ biến trong Steemit, EOS, BitShares. Với các ưu điểm như chi phí giao dịch rẻ; có khả năng mở rộng; hiệu suất năng lượng cao. Tuy nhiên vẫn một phần hơi hướng tập trung vì thuật toán này lựa chọn người đáng tin cậy để uỷ quyền.

DPOS là thuật toán đồng thuận phân tán duy nhất có khả năng đáp ứng các yêu cầu về hiệu suất của các ứng dụng trên nền tảng blockchain, Khai thác theo cổ phần uỷ viên (DPOS). Theo thuật toán này, những người nắm giữ các token trên hệ thống nền tảng blockchain của EOS.IO có thể lựa chọn các uỷ viên xây dựng block thông qua một hệ thống bỏ phiếu liên tục phê duyệt và bất cứ ai cũng có thể được lựa chọn để tham gia vào quá trình xây dựng các khối block và sẽ có cơ hội tạo ra khối lượng tỷ lệ thuận với tổng số phiếu bầu họ đã nhận được.

Thuật toán Delegated Proof-of-Stake (Uỷ quyền Cổ phần)
Blockchain là gì? Thuật toán Uỷ quyền Cổ phần Delegated Proof-of-Stake

Proof of Authority (Bằng chứng Uỷ nhiệm): 

Đây là mô hình tập trung thường thấy trong POA.Network, Ethereum Kovan testnet. Hiệu suất cao, có khả năng mở rộng tốt.

Proof-of-Weight (Bằng chứng Khối lượng / Càng lớn càng tốt): 

Phổ biến trong Algorand, Filecoin. Có thể tuỳ chỉnh và khả năng mở rộng tốt. Tuy nhiên quá trình thúc đẩy việc phát triển sẽ là một thử thách lớn.

Byzantine Fault Tolerance (Đồng thuận chống gian lận):

Phổ biến trong Hyperledger, Stellar, Dispatch, và Ripple. Năng suất cao; chi phí thấp; có khả năng mở rộng. Tuy nhiên vẫn chưa thể tin tưởng hoàn toàn. Thuật toán này có 2 phiên bản là:
– Practical Byzantine Fault Tolerance (Đồng thuận chống gian lận / Tướng Byzantine bao vây Blockchain trong thực tế)

– Federated Byzantine Agreement (Liên minh Byzantine cùng đồng thuận)

Directed Acyclic Graphs - DAG (Thuật toán TOPO): 

Thuật toán để tìm thứ tự tô pô gọi là thuật toán sắp xếp tô pô. Thứ tự tô pô tồn tại khi và chỉ khi đồ thị không có chu trình. Thường thấy trong Iota (công nghệ Tangle), Hashgraph, Raiblocks/Nano (công nghệ Block-lattice), là một đối thủ của Blockchain. 

Thuật toán Blockchain hoạt động như thế nào?

Khi nhắc đến Blockchain, người ta nghĩ ngay đến các giao dịch bởi sự ra đời của nó chính là để khắc phục các nhược điểm tồn tại trong các giao dịch trên thế giới.

Giao dịch theo phương pháp truyền thống: những giao dịch sẽ được ghi lại và lưu trữ trong những cuốn sổ cái (máy chủ); những sổ cái này được khóa lại và cô lập nhằm đảm bảo tính chính xác và tính bất khả xâm phạm của chúng. Khi hoạt động các giao dịch, mỗi cơ quan, đơn vị phải duy trì những bản ghi (record) riêng để xác minh thông tin độc lập điều này dẫn đến có rất nhiều sổ cái và tính toàn vẹn rất khó được bảo toàn, đồng thời việc đối chiếu kiểm tra khi có sai sót sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Giao dịch trên công nghệ blockchain: Ngược với kiểu truyền thống này, công nghệ blockchain csử dụng một cuốn sổ cái tin cậy và công khai; hay nói cách khác Blockchain là một cuốn sổ cái đồng thuận phân tán, được chia sẻ và đáng tin cậy, một cuốn sổ cái kỹ thuật số mang tính tin cậy cực cao. Trong sổ cái Blockchain đó ghi lại các thông tin giao dịch, nhưng đặc biệt sổ cái này chỉ có 1 phiên bản đồng nhất và được phân phối đến tất cả các người dùng trong hệ thống lưu trữ, khi có sự thay đổi hay cập nhật các phiên bản tham gia việc tính toán cập nhật lại sổ cái (máy đào) sẽ đồng thời chính là những node dùng để xác minh tính chính xác của những tính toán khác, và sự cập nhật sẽ chỉ xảy ra khi tất cả các máy đào cùng xác minh một kết quả giống nhau

Nguyên lý hoạt động của Blockchain
Nguyên lý hoạt động cơ bản của Blockchain (6 step)

Ví dụ về một giao dịch Bitcoin

Giả sử John muốn gửi Bitcoin cho Tom, anh ta sẽ phát một thông báo (block) gửi tới toàn bộ mạng lưới và cho biết số lượng Bitcoin trong tài khoản của mình sẽ chuyển sang tài khoản của Sandra. Mỗi Node trong mạng sau đó sẽ nhận được thông báo này và ghi nhận giao dịch (block) được yêu cầu vào bản sao sổ cái của riêng họ. Khi các Node tham gia xác thực cho giao dịch này cùng xác nhận 1 kết quả giống nhau, block mới này sẽ chính thức được thêm vào blockchain của toàn hệ thống và xác nhận này cũng được gửi lại cho John và Tom để hoàn tất giao dịch.

Trong mỗi khối Block chứa những thông tin gì?

Về cơ bản mỗi khối chứa những thông tin chính sau:

+ Dữ liệu (Data): Dữ liệu trong mỗi khối phụ thuộc vào loại blockchain, ví dụ blockchain của bitcoin chứa thông tin về các giao dịch như thông tin người gửi, người nhận tiền và số bitcoin được giao dịch; blockchain về bảo hiểm y tế sẽ lưu trữ các thông tin về đối tượng được hưởng bảo hiểm, lịch sử sức khỏe của đối tượng đó, …

+ Mã băm (Hash): để nhận dạng một khối và các dữ liệu trong đó. Mã này là duy nhất, nó tương tự như dấu vân tay. Bất kỳ sự thay đổi nào trong khối thì mã băm cũng sẽ thay đổi.

+ Mã băm đối chiếu (chính là mã của khối phía trước – Hash of previous block) sẽ tạo thành chuỗi. Bất cứ sự thay đổi một khối sẽ khiến các khối tiếp theo không phù hợp.

+ Và một số thông tin bổ sung khác như Index, Nonce, Timestamp

Cơ chế chống sự thay đổi của Blockchain

Do mỗi khối trong Blockchain khi sinh ra sẽ được tạo cho một mã băm (hash) duy nhất và mã mày sẽ là định danh để khối liên kết với khối trước nó và sau nó trong chuỗi Blockchain. Nếu dữ liệu nằm trong khối bị thay đổi, mã hash sẽ bị thay đổi theo, sự liên kết của block với các block khác sẽ bị đứt dẫn đến thay đổi sẽ không được xác thực và không được cập nhật vào hệ thống.

Cơ chế chống sự thay đổi của Blockchain
Cơ chế chống sự thay đổi của Blockchain dựa trên mã băm (hash) giúp định danh và liên kết

Với thiết kế này, Blockchain giúp chống lại việc thay đổi của dữ liệu. Về nguyên tắc, một khi dữ liệu đã được ghi vào Blockchain thì sẽ không có cách nào thay đổi được dữ liệu đó.

Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại và thông minh hiện nay, sử dụng những đoạn mã băm không thôi là chưa đủ để ngăn chặn những sự thay đổi, sự giả mạo. Thực tế, có hàng trăm, hàng nghìn chiếc máy tính với cấu hình ‘khủng’ có thể tính toán hàng trăm nghìn các mã băm trên một giây; tức là khi một khối bị thay đổi dữ liệu, tức mã băm của khối sẽ thay đổi, các máy tính can thiệp vào quá trình thay đổi, giả mạo đó sẽ tính toán lại tất cả các mã băm của các khối tiếp theo sao cho phù hợp và liên kết với các khối trước đó và kết quả là sổ cái Blockchain vẫn có thể bị thay đổi giả mạo hoàn toàn. Để giảm thiểu vấn đề này, Blockchain đã được trang bị thêm phương tiện an toàn đó là thuật toán đồng thuận, có 02 loại thuật toán đồng thuận được triển khai phổ biến: Thuật toán bằng chứng công việc (PoW) và thuật toán bằng chứng cổ phần (PoS).

Ngoài ra, Blockchain còn tự đảm bảo tính không thể thay đổi bằng cách sử dụng mạng phân tán hay còn gọi là mạng ngang hàng P2P (thông tin được chia sẻ minh bạch, quyền lực được phân tán, dân chủ; tất cả người tham gia các điểm trong mạng (node) đều có quyền lực như nhau). Nếu một người tham gia mạng lưới này, họ sẽ nhận được một bản sao đầy đủ của sổ cái Blockchain. Khi một khối dữ liệu mới được tạo ra, thì dữ liệu của khối mới này sẽ được gửi đến toàn bộ những người tham gia mạng lưới đó, và mỗi người tham gia sẽ có trách nhiệm xác nhận rằng không có bất kỳ sự thay đổi, hay giả mạo nào xảy ra cả, đó chính là cơ chế đồng thuận như đã nhắc ở phía trên. Với bất kỳ sự giả mạo xảy ra được phải có được sự đồng thuận của trên 50% những người tham gia mạng lưới và điều này dường như là không thể xảy ra đặc biệt là các hệ thống càng lớn độ tin cậy sẽ càng cao.

Tuy nhiên, chính vì blockchain sử dụng mạng P2P để xử lý dữ liệu, do vậy quá trình xử lý trên blockchain sẽ chậm hơn quy trình xử lý tập trung. Khi xử lý một giao dịch, một blockchain phải xử lý dữ liệu như một quy trình tập trung, nhưng phải thực hiện thêm 2 bước chính để xác minh giao dịch, đó là xác nhận chữ ký số và cơ chế đồng thuận. Đây cũng chính là hạn chế lớn nhất của công nghệ Blockchain.

Có bao nhiêu loại blockchain?

Hệ thống Blockchain được chia thành 3 loại chính sau:

  • Public: Bất kỳ ai cũng có quyền đọc và ghi dữ liệu trên Blockchain. Quá trình xác thực giao dịch trên Blockchain này đòi hỏi phải có hàng nghìn hay hàng vạn nút tham gia. Do đó để tấn công vào hệ thống Blockchain này là điều bất khả thi vì chi phí khá cao. 

Ví dụ: các đồng Bitcoin, Ethereum…

  • Private: Người tham gia chỉ được quyền đọc dữ liệu, không có quyền ghi vì quyền này thuộc về bên tổ chức thứ ba tuyệt đối tin cậy. Tổ chức này cũng có thể hoặc không cho phép người dùng đọc dữ liệu trong một số trường hợp. Bên thứ ba toàn quyền quyết định mọi thay đổi trên Blockchain. Ưu thế của Private Blockchain là thời gian xác nhận giao dịch khá nhanh vì chỉ cần một lượng nhỏ thiết bị của tổ chức tin cậy tham gia xác thực giao dịch. 

Ví dụ: Đồng Ripple là một dạng Private Blockchain, hệ thống này cho phép 20% các nút là gian dối và chỉ cần 80% còn lại hoạt động ổn định là được.

  • Permissioned: Hay còn có tên gọi là Consortium, đây một dạng của Private nhưng bổ sung thêm một số tính năng nhất định của Public, kết hợp giữa “niềm tin” khi tham gia vào Public và “niềm tin tuyệt đối” khi tham gia vào Private. Ví dụ: Các ngân hàng hay tổ chức tài chính liên doanh sẽ sử dụng Blockchain cho riêng mình.

Ví dụ: Đồng Libra của Facebook mới đây. Là một đồng tiền crypto và hệ sinh thái blockchain được thiết kế mới và quy trình vận hành kỹ lưỡng hơn so với các đồng tiền crypto trước đó. Libra và hệ sinh thái của nó dự tính sẽ chính thức launch toàn cầu vào trong khoảng đầu năm 2020.

Các phiên bản chính thức của Blockchain là gì?

Các loại phiên bản của Blockchain hiện nay
Các phiên bản của Blockchain hiện nay
  • Blockchain 1.0 – Tiền tệ và Thanh toán: Ứng dụng chính của phiên bản này là tiền mã hoá: bao gồm việc chuyển đổi tiền tệ, kiều hối và tạo lập hệ thống thanh toán kỹ thuật số. Đây cũng là lĩnh vực quen thuộc với chúng ta nhất mà đôi khi khá nhiều người lầm tưởng Bitcoin và Blockchain là một.
  • Blockchain 2.0 – Tài chính và Thị trường: Ứng dụng xử lý tài chính và ngân hàng: mở rộng quy mô của Blockchain, đưa vào các ứng dụng tài chính và thị trường. Các tài sản bao gồm cổ phiếu, chi phiếu, nợ, quyền sở hữu và bất kỳ điều gì có liên quan đến thỏa thuận hay hợp đồng.
  • Blockchain 3.0 – Thiết kế và Giám sát hoạt động: Đưa Blockchain vượt khỏi biên giới tài chính, và đi vào các lĩnh vực như giáo dục, chính phủ, y tế và nghệ thuật. Ở những lĩnh vực này sẽ là lại có nhiều loại như physical, digital hay human in nature.

Bitcoin có phải là Blockchain?

  • Blockchain là một công nghệ dùng để ghi chép bảo mật thông tin (các khối dữ liệu).
  • Tiền điện tử là một trong những cách phổ biến và được biết đến nhiều nhất để sử dụng blockchain.
  • Bitcoin là ví dụ đầu tiên và phổ biến nhất về tiền điện tử.

Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên được tạo ra, và theo lẽ tự nhiên, là một trong những đồng tiền điện tử nổi tiếng nhất. Bitcoin được giới thiệu vào năm 2009 bởi nhà phát triển với danh xưng Satoshi Nakamoto. Ý tưởng chính là tạo ra một hệ thống thanh toán điện tử độc lập và phi tập trung dựa trên các bằng chứng toán học và mật mã học.

Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên được tạo ra
Bitcoin là đồng tiền điện tử đầu tiên được tạo ra và nổi tiếng nhất với mệnh giá cao nhất hiện nay

Như phân tích ở trên, ta có thể thấy rằng Bitcoin là một dạng Blockchain phiên bản 1.0 ứng dụng vào tiền tệ và thanh toán. Mục đích của Bitcoin sinh ra nhằm thay thế các loại tiền tệ và thanh toán trên toàn cầu tuy nhiên gần đây nó hoạt động như một dạng đầu cơ tích trữ, hay còn gọi là vàng điện tử.
Mặc dù là đồng tiền điện tử nổi tiếng nhất nhưng Bitcoin không phải là duy nhất. Có nhiều đồng tiền điện tử khác, mỗi loại có các tính năng và cơ chế riêng. Hơn nữa, không phải tất cả các đồng tiền điện tử đều có blockchain riêng của mình. Một số được tạo ra trên nền của một blockchain đã tồn tại, trong khi những đồng tiền khác được tạo ra hoàn toàn từ đầu.

Ví lạnh là gì?

Về cơ bản, ví lạnh (Cold Wallet) cũng dùng để lưu trữ tiền điện tử. Tuy nhiên nó không kết nối với Internet và chỉ kết nối khi nào cần giao dịch mà thôi.

Các dạng ví lạnh phổ biến là:

  • Ví phần mềm: Cũng là các loại ví dưới dạng ứng dụng di động đã kể ở trên. Trong trường hợp nếu bạn tắt Wifi / 3G-4G / tháo sim, thì các thiết bị của bạn sẽ trở thành một ví lạnh.
  • Ví phần cứng: Là các dạng phần cứng như Ledger Nano S hay Trezor. Đây là dạng ví lạnh phổ biến được nhiều người tin dùng hiện nay, lưu trữ được nhiều loại tiền điện tử khác nhau, bảo mật cao vì chỉ có thể truy cập khi sử hữu thiết bị. Khi thực hiện giao dịch trên máy tính, bạn sẽ cần kết nối và xác nhận thông qua thiết bị.

Các loại ví lạnh hiện nay dao động từ $70 – $90. Đặc biệt không mua bán ví lạnh đã qua sử dụng hay ví đã khui seal vì bạn có thể bị đánh cắp tài sản. Còn nếu bạn có kiến thức về crypto thì vẫn có thể format (cài lại) những ví này và sử dụng như bình thường.

Các ứng dụng thực tế của Blockchain là gì?

Công nghệ blockchain ra đời cùng với bitcoin đã giúp loại bỏ bên thứ ba tin cậy trong các giao dịch tài chính. Nhờ tính năng này, blockchain đã thu hút sự chú ý từ những lĩnh vực khác như: lưu trữ đám mây phi tập trung, hợp đồng thông minh, IoT, quản lý chuỗi cung ứng, quản lý hồ sơ bệnh án, v.v.
Một cách tổng quát, các ứng dụng của nền tảng Blockchain thường sẽ thỏa một số điều kiện chung sau:

  • Có sự tham gia của nhiều bên không biết nhau hoặc không tin cậy lẫn nhau.
  • Có thông tin, dữ liệu quan trọng cần lưu trữ an toàn và bảo mật trong các Block trong quá trình sử dụng.
  • Phải có giao dịch: Phải có hoạt động mua bán, trao đổi thông tin diễn ra thường xuyên.
  • Quá trình xác thực các giao dịch, trao đổi thông tin phải được xác thực trên cơ chế đồng thuận và phi tập chung.

Công nghệ Blockchain cho phép trao đổi thông tin, tài sản, thực hiện các giao dịch mà không cần sự chứng kiến của bên thứ ba tin tưởng (như các giao dịch truyền thống). Hay nói các khách, Blockchain là nền tảng cho sự ra đời các ứng dụng sử dụng nền tảng hợp đồng thông minh và xác thực tự động một cách tin cậy.

Dưới đây là một số lĩnh vực đang triển khai ứng dụng công nghệ Blockchain:

  • Ứng dụng blockchain trong dịch vụ tài chính, ngân hàng
  • Ứng dụng blockchain trong Giao dịch, Thương mại điện tử: Bảo mật, an toàn, nhanh chóng.
  • Lưu trữ tài sản an toàn, bất biến: Lưu trữ tài sản số nhằm tránh rủi ro trong các cuộc khủng hoảng, chiến tranh, thiên tai...
  • Mã hóa và bảo mật thông tin bản quyền: Sở Hữu Trí Tuệ, Gaming: Tình trạng ăn cắp bản quyền là một vấn nạn đã diễn ra từ rất lâu và dường như vẫn chưa có giải pháp nào có thể giải quyết triệt để cho đến khi blockchain xuất hiện. Có lẽ, ở hiện tại, công nghệ này là giải pháp duy nhất cho vấn nạn trên.
  • Streaming nhạc, video trực tuyến: Quản lý được nguồn gốc, bản quyền, tốc độ phân tán cũng như các vấn đề hiện tại của video, music streamming.
  • Huy động vốn, ICO, kêu gọi tài chính toàn cầu nhanh chóng: Hình thức bùng phát nhanh chóng vào năm 2017 và để lại khá nhiều hậu quả do thiếu tính minh bạch và tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.
  • Ứng dụng blockchain trong giáo dục, y tế: Quản lý hồ sơ y tế của bệnh nhân, bằng cấp của bác sĩ, kết quả xét nghiệm, quản lý theo dõi nguồn gốc dược phẩm, quản lý chuỗi ADN của con người...
  • Ứng dụng blockchain tích điểm thưởng mua sắm của khách hàng từ nhiều  thương hiệu khác nhau.
  • Ứng dụng blockchain trong nông nghiệp: làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo được chất lượng, tính minh bạch, sự tin cậy của các sản phẩm trên một hành trình dài từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng? Câu trả lời là blockchain.
  • Ứng dụng blockchain trong việc bỏ phiếu bầu cử: Công khai, minh bạch, tiếc kiệm và nhanh chóng trong việc vận hành bầu cử cũng như kiểm phiếu. Khắc phục triệt để các gian lận trong bầu cử hiện nay. Tính bất biến của blockchain có nghĩa là các vấn đề như bỏ phiếu kép, thay đổi phiếu bầu và xóa phiếu bầu sẽ bị “delete” ngay sau một đêm. Blockchain cũng sẽ loại bỏ nhu cầu kiểm phiếu và đưa ra kết quả gần như ngay lập tức sau khi các cuộc thăm dò kết thúc.

Hiện nay, nhiều quốc gia đang rất quan tâm đến công nghệ Blockchain và ban hành nhiều chính sách liên quan tạo môi trường thúc đẩy, phát triển công nghệ mới này. Nhiều cơ quan nhà nước trên thế giới đã có kế hoạch đầu tư vào blockchain để quản lý các giao dịch tài chính, tài sản, hợp đồng và việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức trong những năm tới. Ví dụ, tại quốc gia Georgia, cơ quan quản lý đất đai quốc gia đã chuyển việc đăng ký quyền sở hữu đất sang blockchain và hệ thống này hiện đang xử lý 160.000 hồ sơ (theo Economist); tại Estonia, chính phủ đã áp dụng công nghệ blockchain để bảo mật hồ sơ y tế và quản lý cơ sở dữ liệu của chính phủ; tại Nga, ngân hàng Nhà nước Sberbank của nước này đã công bố rằng họ đang hợp tác với Cơ quan chống độc quyền Liên bang Nga (FAS) để thực hiện chuyển giao tài liệu và lưu trữ thông qua blockchain; …Tại Việt Nam, việc sớm nghiên cứu và áp dụng công nghệ này cũng sẽ là cơ hội để Việt Nam chủ động bắt nhịp với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Hiện công ty cổ phần MISA đã có giải pháp hóa đơn điện tử áp dụng thành công blockchain.

Một số lĩnh vực đang triển khai ứng dụng công nghệ Blockchain
Một số lĩnh vực đang triển khai ứng dụng công nghệ Blockchain hiện nay

Công nghệ Blockchain có lẽ đã bị mời chào như một giải pháp toàn năng cho mọi vấn đề trong các lĩnh vực công nghệ và trên thế giới. Nhiều công ty khởi nghiệp từ công nghệ Blockchain và nhiều đồng tiền ảo (tiền thuật toán) được ra đời hứa hẹn giải quyết được mọi việc từ phá bỏ hệ thống ngân hàng tới xóa bỏ đói nghèo trên thế giới. Nhiều nhận định về công nghệ Blockchain gợi nhắc tới mạng Internet vào những ngày đầu tiên. Trong khi mạng Internet đã thực sự thay đổi thế giới, các dự đoán về Blockchain lại thường quá phóng đại, nhiều công ty khởi nghiệp quá nhanh chóng và phụ thuộc vào công nghệ này bất chấp nhiều lỗ hổng chưa được khắc phục.

Với tiềm năng to lớn của Blockchain, nhiều khả năng trong tương lai gần những ứng dụng kỹ thuật này sẽ làm biến đổi đáng kể cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ Blockchain cũng cần được các nhà quản lý giám sát và điều tiết một cách phù hợp nhằm tuân theo đúng quy định của pháp luật. Trong số các nguy cơ và thách thức mà blockchain đang đối mặt, khi muốn áp dụng blockchain, các cơ quan, đơn vị, nhà nước hay tư nhân cần trang bị cho mình kiến thức, bản lĩnh, và nhân lực sẵn sàng đối mặt với sự phát triển của nền kinh tế, tài chính và công nghệ trong một tương lai không xa. 

Những ưu điểm nổi bật của công nghệ Blockchain là gì?

Ưu điểm chính nổi bật nhất của công nghệ Blockchain là đảm bảo tính bảo mật cao và tính bất biến của dữ liệu (không thể sửa đổi). Nhờ sự quản lý phi tập chung, thông tin về các block trong chuỗi Blockchain không bị kiểm soát bởi bất kỳ bên cụ thể nào. Đây được biết đến với tên gọi “cơ chế đồng thuận phân tán đồng đẳng”, chính là cơ sở của sự xác thực tin cậy và hoàn toàn tự động.
Những ưu điểm nổi bật của Blockchain:

  • Tính phân tán
  • Tính bất biến hay tính ổn định
  • Không cần sự tin tưởng

Những khuyết điểm và rủi ro về công nghệ Blockchain

Tuy có rất nhiều ưu điểm vượt trội, Blockchain vẫn tồn tại những nhược điểm cần được khắc phục và nâng cấp:

  •  Nguy cơ hacker: dù được bảo vệ bởi thuật toán đồng thuận Proof of Work nhưng các ứng dụng phát triển trên nền tảng Blockchain vẫn là “con mồi” của hơn 50% các cuộc tấn công mạng. Công nghệ còn khá mới mẻ và trình độ của các lập trình viên Blockchain thường chưa cao tạo ra cơ hội tốt cho các hacker khai thác trục lợi.
  • Khó phục hồi: một khi dữ liệu được đưa vào Blockchain thì rất khó để thay đổi. Tính ổn định vừa là lợi thế nhưng cũng đồng thời là nhược điểm của Blockchain. Khi phát hiện các giao dịch không hợp lệ, để khắc phục hệ thống buộc phải khôi phục lại một thời điểm trước đó và sẽ làm mất rất nhiều các giao dịch hợp lệ khác diễn ra trong điểm khôi phục này. Con số này sẽ là cực lớn đối với các hệ thống Blockchain nhiều giao dịch như là Bitcoin
  • Sự bất tiện của private key – khóa riêng: mỗi tài khoản Blockchain sẽ được cấp khóa chung (có thể chia sẻ) và khóa riêng (cần giữ bí mật). Người dùng sử dụng khóa riêng để truy cập vào quỹ tiền của mình. Nếu mất khóa riêng, tiền của họ sẽ bị mất mà họ không thể làm gì được. Khóa này là một chuỗi ký tự rất dài và gần như không thể nhớ được, buộc người dùng phải ghi lại vào đâu đó, tạo ra nguy cơ bảo mật khác.
  • Tấn công 51%: Thuật toán đồng thuận Proof of Work giúp bảo vệ blockchain Bitcoin đã được chứng minh là rất hiệu quả trong những năm qua. Tuy nhiên, có một vài dạng tấn công tiềm năng có thể được thực hiện nhắm vào các mạng blockchain, trong đó đặc biệt được nhắc tới nhiều là tấn công 51%. Một cuộc tấn công như vậy có thể xảy ra nếu có một đơn vị kiểm soát hơn 50% sức mạnh băm của mạng lưới. Điều này sẽ cho phép đơn vị này phá vỡ mạng lưới bằng cách cố ý ngăn chặn hoặc sửa đổi việc đặt các giao dịch.
  • Lãng phí và kém hiệu quả: Các blockchain, đặc biệt là những loại đang sử dụng Proof of Work, là rất kém hiệu quả. Khi các thợ mỏ liên tục cố gắng tăng sức mạnh phần cứng tính toán để chiến thắng và giành tiền thưởng, gây ra sự lãng phí rất lớn đối với các thợ mỏ thua cuộc. Do đó các tài nguyên được sử dụng bởi mạng lưới Bitcoin đã tăng đáng kể trong vài năm qua, và hiện tại lượng điện tiêu thụ dành cho bitcoin đã vượt qua nhiều quốc gia, chẳng hạn như Đan Mạch, Ireland và Nigeria.
  • Kích thước lưu trữ lớn dần: Các sổ cái Blockchain có thể phát triển rất lớn theo thời gian. Blockchain Bitcoin hiện cần khoảng 200 GB dung lượng lưu trữ. Tốc độ tăng kích thước hiện tại của blockchain có vẻ như vượt xa tốc độ tăng dung lượng lưu trữ của các ổ đĩa cứng. Mạng lưới có nguy cơ mất các node nếu kích thước của sổ cái là quá lớn để các cá nhân tải xuống và lưu trữ.

Lời kết: Mặc dù vẫn còn có những nhược điểm, công nghệ blockchain mang lại một số ưu điểm độc đáo, chiếm một vị thế quan trọng. Còn một chặng đường dài để công nghệ này hoàn thiện dần và được áp dụng rộng khắp nhưng Blockchain cho thấy tiềm năng rất lớn và hiện nay có nhiều quốc gia, tập đoàn lớn trên thế giới đang tiến hành nghiên cứu cải tiến và ứng dụng nó vào trong thực tế. Chúng ta đã thấy các doanh nghiệp và chính phủ thử nghiệm các ứng dụng mới để tìm ra cách sử dụng tốt nhất công nghệ blockchain. TIn rằng tương lai không xa Blockchain sẽ là một cuộc cách mạng công nghệ gây ảnh hưởng lớn đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta giống như Internet đã từng làm, thậm chí là hơn thế nhiều lần.

Khuyến cáo của chính phủ, Blockchain có bị cấm hay không?

Theo tiến trình của Bộ Tư pháp, dự kiến năm 2020, bộ sẽ xem xét, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành trong hệ thống để phù hợp với việc quản lý tiền ảo, tiền điện tử. "Giao dịch tiền ảo bitcoin là ẩn danh, công cụ của nhiều loại tội phạm. Tiền ảo là dạng kỹ thuật số, nguy cơ bị đánh cắp rất cao. Bên cạnh đó, giá trị biến động, rủi ro trong đầu tư rất lớn. Hiện nay, chưa được cơ quan nhà nước quản lý nên khi xảy ra tranh chấp rất khó xử lý".

Theo đó, Chính phủ cho hay, rủi ro khi tham gia vào hoạt động đầu tư, giao dịch tiền ảo thể hiện trên 2 khía cạnh bao gồm: rủi ro liên quan đối với sự ổn định của thị trường tài chính và rủi ro đối với sự ổn định và trật tự xã hội.

Do sớm nhận thức những rủi ro, hệ lụy của Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, nên ngay từ tháng 2/2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ra Thông cáo báo chí cảnh báo rủi ro của Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác tới các cá nhân, tổ chức trước những rủi ro, nguy cơ đối với việc tham gia đầu tư, giao dịch mua bán tiền ảo. Cuối tháng 10/2017, khi tiền ảo bắt đầu có dấu hiệu sốt nóng trên phạm vi toàn cầu và lan sang Việt Nam, NHNN đã tái khẳng định quan điểm rằng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Tuy nhiên tất cả các cảnh báo này chủ yếu tập chung vào các loại tiền mã hóa điện tử như Bitcoin, là một trong những ứng dụng của Blockchain. Bản thân công nghệ Blockchain và tính ứng dụng của nó thì rất được chính hoan nghênh và nghiêm túc triển khai nghiên cứu ứng dụng vào thực tế, đặc biệt là “phát triển Blockchain để xây dựng Chính phủ điện tử”. Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, đó là một trong ba đầu việc lớn mà Bộ sẽ triển khai để hỗ trợ phát triển ứng dụng Blockchain.  

Như vậy, mối lo ngại của chính phủ các nước chủ yếu là vào các loại tiền mã hóa dựa trên công nghệ Blockchain do nằm ngoài tầm quản lý và khả năng gây ra nhiều rủi ro, khủng hoảng trong giai đoạn hiện nay đối với các chính phủ còn về công nghệ Blockchain thì hoàn toàn được các nước quan tâm nghiên cứu và đang ứng dụng ngày càng nhiều vào đời sống.

Công nghệ blockchain có thực sự HOT?

Cơn sốt Blockchain năm 2017 với sự ra đời của hàng trăm loại tiền mã hóa điện tử và token dựa trên nền tảng của Blockchain. Và tất nhiên công nghệ Blockchain nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của những người đam mê công nghệ trên toàn thế giới. Nhu cầu gia tăng đột biến khiến "nghề lập trình Blockchain" trở lên HOT hơn bao giờ hết, các lập trình viên blockchain có kinh nghiệm được săn đón và trả mức lương rất hậu hĩnh. Theo một số trang tuyển dụng uy tín như Vietnamwork thì các blockchain developer được săn đón với mức lương từ $2000 lên đến trên $5000, đây là mức "lương khủng" torng lĩnh vực CNTT dành cho vị trí developer.

Tuy Blockchain vẫn còn khá mới mẻ và trong giai đoạn bắt đầu đang được phát triển hoàn thiện dần dần. Công nghệ này đang tạo ra nhiều cơ hội kiếm tiền mới rất hot cho các lập trình viên và các startup công nghệ. 

Nếu bạn đang học IT và đang phân vân về định hướng chuyên nghành của mình, thì Blockchain là một gợi ý tuyệt vời nhất mà bạn không nên bỏ qua. Các khóa học và đào tạo lập trình Blockchain hiện chưa có nhiều và chưa chuyên sâu, nhưng tài liệu, source code thì phổ biến không thiếu trên internet. Trong phần dưới của bài viết này GrowUpWork cũng chia sẻ một số tài liệu e-book, luận văn rất hay về đề tài này để các bạn download về tham khảo hoàn toàn miễn phí nhé.

Mức lương của các blockchain developer?

Theo Computerworld, các chuyên gia blockchain cung cấp dịch vụ freelance với giá từ 150 USD /giờ, các nhà lập trình phát triển blockchain ở Mỹ kiếm được 140.000-180.000 USD một năm, một con số cực ấn tượng so với mức trung bình chỉ 105.000 USD /năm của các nhà phát triển phần mềm khác. Những dữ liệu này được công bố bởi Matt Siegelman, Giám đốc điều hành của chiến dịch phân tích dữ liệu về hiệu suất của công ty Burning Glass Technologies. Đây là mức lương cao hơn rất nhiều so với mức lương trung bình của lập trình viên tại Mỹ (từ 60.000 USD đến 100.000 USD)

Tại Việt Nam, theo số liệu của VietnamWorks, các kỹ sư phát triển phần mềm liên quan đến Blockchain nhận mức lương trung bình 2.241 USD/tháng. Theo đó, thống kê mức lương dựa trên chuyên môn, nhóm kỹ sư có chuyên môn thuộc lĩnh vực công nghệ mới như Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI) đang nhận mức lương cao nhất và cao hơn so với các nhóm chuyên môn khác. Theo đó, nhóm kỹ sư phát triển phần mềm liên quan đến Blockchain nhận mức lương trung bình là 2.241 USD/ tháng, nhóm phát triển phần mềm liên quan đến AI có mức lương 1.844 USD/tháng, đứng vị trí thứ 3 là Full Stack với mức lương 1.642 USD/ tháng.

Mức lương lập trình viên Blockchain theo chuyên môn và kỹ năng
Mức lương lập trình viên Blockchain đang đứng đầu bảng xếp hạng

Như vậy, dù ở Mỹ hay Việt Nam hay bất kỳ thị trường nào khác thì các lập trình viên Blockchain luôn có mức thu nhập đứng đầu lĩnh vực IT và hơn mức trung bình của các lập trình viên khác gần 2 lần. Đây là con số cực kỳ khủng và dự kiến còn tiếp tục tăng cao do nhu cầu của thị trường về nghề lập trình Blockchain là nhất lớn và đang tăng mạnh.

Tình hình thị trường và Nhu cầu tuyển dụng Blockchain developer

Thị trường việc làm Mỹ, châu Âu và trên thế giới đều đang săn tìm các nhà phát triển và kiến ​​trúc sư trong lĩnh vực blockchain. Tuy nhiên, việc tìm kiếm chuyên gia không dễ dàng. Trong quý IV/2017, sự thiếu vắng các vị trí lập trình viên công nghệ blockchain vẫn tiếp tục, trong khi đó, sản phẩm về blockchain lại tăng gấp đôi.

Theo đó, số tin tuyển dụng công liên quan đến công nghệ blockchain đã tăng nhanh chóng theo từng năm. Biểu đồ dưới đây cho thấy sự phát triển của công việc blockchain cho đến năm 2017. Bạn có thể thấy rằng năm 2017 đã từng có 4000 bài đăng công việc. Con số này đã lên hơn 12.000 vào năm 2019. Tất nhiên số liệu này chỉ mang tính tương đối và khu vực trường giới hạn.

Nhu vầu việc làm liên quan đến Blockchain theo năm
Nhu vầu việc làm liên quan đến Blockchain theo năm

Blockchain là lĩnh vực khá mới mẻ nhưng tính ứng dụng lại rất rộng lớn, nhu cầu của thị trường là rất rất cao, các lập trình viên nên nắm bắt cơ hội này và cần nhanh chóng học hỏi và nắm vững các kiến thức cần thiết về Blockchain. 

"Nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành CNTT ngày càng tăng cao hơn trong kỷ nguyên số hóa dẫn đến việc thu hút và giữ chân nhân tài cũng gặp nhiều thách thức. Bên cạnh đó, sự khan hiếm nhân lực có chuyên môn công nghệ mới như Blockchain, AI dẫn đến sự mất cân đối về mức lương trên thị trường và tiềm ẩn nguy cơ nhóm nhân lực có chuyên môn “không còn là xu hướng” sẽ thất nghiệp hoặc trả mức lương thấp hơn. Ông Gaku Echizenya – CEO Navigos Group (Vietnamwork) nhận định, 

Về ngôn ngữ, lập trình viên blockchain có thể sử dụng các ngôn ngữ phổ biến như trong các lĩnh vực khác như: Javascript, Python, C++, Golang... Tuy nhiên cũng cần phải trang bị những kiến thức nền tảng chuyên sâu để có thể hiểu sâu về lĩnh vực Blockchain: Toán trừu tượng (nhóm, vành, trường...), Lý thuyết mật mã (Hệ mật khóa công khai, chữ ký số, hàm băm...), Mạng ngang hàng, Cơ sở dữ liệu no-SQL...

Ngoài ra, những bạn đang muốn thử sức ở lĩnh vực blockchain: hãy thử sức với ngôn ngữ lập trình cho smart contract (hợp đồng thông minh) là solidity với Ethereum; đọc cuốn sách "Mastering Bitcoin: Programming the Open Blockchain" của Antonopoulos, Andreas M., 2017 để hiểu hơn về công nghệ này.

Xu hướng và tương lai của công nghệ Blockchain 2019, 2020 có tốt không?

Sự xuất hiện của Blockchain cũng như các cột mốc khi máy tính cá nhân hoặc Internet ra đời, hệ thống này sẽ thay đổi cách mà chúng ta hiểu biết và nhìn nhận xã hội.

Tiềm năng lớn nhất chính là tạo nơi áp dụng Hợp đồng Thông minh: các thoả thuận trong hợp đồng và giao dịch sẽ được xác nhận mà không tiết lộ thông tin giữa các bên với một người trung gian nào đó mà vẫn đảm bảo mọi thứ là minh bạch và chắc chắn nhất.

Thông tin lưu trữ trong Blockchain không thể bị làm giả (có thể nhưng cực kỳ khó và vẫn sẽ để lại dấu vết), mọi thay đổi cần phải nhận được sự đồng thuận của tất cả các nút tham gia trong hệ thống. Nó là một hệ thống không dễ dàng sụp đổ, vì ngay cả khi một phần mạng lưới tê liệt thì các nút khác vẫn sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.

Công nghệ Blockchain mở ra một xu hướng mới cho các lĩnh vực như tài chính ngân hàng, logistics, điện tử viễn thông, kế toán kiểm toán…

Không chỉ thế Blockchain còn là nòng cốt của Internet vạn vật (IoT). Các thiết bị điện tử có thể giao tiếp một cách an toàn và minh bạch, những nỗ lực bất chính trong thế giới Internet sẽ không thực hiện được, và còn nhiều điều nữa…

Hiện nay có rất nhiều công ty và tập đoàn lớn đang xây dựng mạng lưới Blockchain cho riêng mình. Tiêu biểu là Facebook với đồng Libra được thiết kế rất tốt và được chấp thuận rộng rãi bởi nhiều công ty công nghệ cũng như tập đoàn tài chính lớn trên thế giới. Libra dự kiến sẽ chính thức ra mắt vào đầu năm 2020. Vì thế chúng ta sẽ sớm thấy điều này có thể tạo ra một làn sóng cho tương lai.

Blockchain và startup?

Là quốc gia có dân số trẻ, năng động, nền tảng giáo dục và nghiên cứu học thuật tốt cùng với thế mạnh công nghệ thông tin, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tiềm năng và hạ tầng tốt để nghiên cứu và phát triển những ứng dụng của Blockchain, đặc biệt là các lĩnh vực như tài chính ngân hàng, công nghiệp sản xuất, chuỗi cung ứng, dịch vụ công hay giáo dục, y tế... Đây cũng là cơ hội cho các nhà khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam tham gia khai thác thị trường ngành công nghiệp Blockchain đang còn rất mới mẻ này.

Thế giới đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ về mặt công nghệ diễn ra từng ngày từng giờ, biến đổi nhiều ngành công nghiệp và các nền kinh tế khác nhau. Trong đó, công nghệ Blockchain hứa hẹn tạo nên bước đột phá lớn. Thị trường Blockchain tại Việt Nam cũng đang diễn ra sôi nổi, hòa cùng làn sóng công nghệ trong khu vực cũng như toàn cầu.

Nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ đang đổ nguồn vốn đầu tư vào ngành công nghiệp này, trong đó phải kể đến công ty Infinity Blockchain Labs (IBL). Thành lập năm 2015, IBL là công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain tại Việt Nam, với tầm nhìn thúc đẩy tiến bộ xã hội bằng những giải pháp công nghệ tiên tiến. Vietnam Blockchain Country (VBC) là một dự án chiến lược của IBL nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong việc nghiên cứu và ứng dụng các thành quả từ công nghệ blockchain.

Dự án Vietnam Blockchain Country cho ra mắt ứng dụng Fruitchain - giải pháp truy xuất nguồn gốc nông sản trên nền tảng Blockchain đầu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh đó là Smart Ballot - ứng dụng bình chọn áp dụng công nghệ Blockchain nhằm giúp cho quá trình bình chọn trở nên đơn giản, minh bạch, bảo mật cao và không thể bị thao túng. Fruitchain được chính thức giới thiệu tại diễn đàn Vietnam Blockchain Summit 2018 tại Hà Nội. Smart Ballot vừa được thí điểm và đưa vào sử dụng tại Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia TechFest 2018 tổ chức tại Đà Nẵng tháng 12/2018.

Vì là công nghệ mới và nhu cầu lớn nên lĩnh vực này chưa có nhiều cạnh tranh và những người đi đầu sẽ có cơ hội tiên phong và chiếm lĩnh thị trường cũng như các nguồn vốn đầu tư cho startup tốt hơn. Đơn cử, Kyber Network và Tomochain - hai nền tảng blockchain đều do người Việt chủ trì - đã gọi vốn được 60 triệu USD trong vòng vài ngày (với Kyber Network) và 8.5 triệu từ các khu vực trên thế giới (với Tomochain). Đây là những ví dụ cho thấy các đơn vị startup tiên phong trong lĩnh vực blockchain không chỉ có cơ hội ở Việt Nam mà còn có thể thành công trên bình diện toàn cầu.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng đề án 844 về việc ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện dự án có ứng dụng công nghệ Blockchain thông qua Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". Đây có thể xem là cậu trả lời cho ''Việt Nam cần làm gì để phát triển Blockchain" và là hành động cụ thể của chính phủ nhằm giúp đỡ các startup trong  lĩnh vực liên quan tới công nghệ Blockchain, tạo ra môi trường tốt để cho Blockchain có điều kiện để phát triển mạnh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó việc công nghệ Blockchain ngày càng hoàn thiện cũng như được hiểu biết chấp nhận rộng rãi hơn trong rất nhiều lĩnh vực tạo ra cơ hội khai thác rất rộng lớn cho các startup. Số lượng lập trình viên và các công ty công nghệ triển khai nghiên cứu công nghệ này cũng ngày một nhiều hơn, tào nguồn cung dồi dào cho phát triển lâu dài và bền vững.

Đăng ký dự án khởi nghiệp sử dụng công nghệ Blockchain và yêu cầu hỗ trợ tại đây:

Lời kết

Trên đây là toàn bộ bài viết chi tiết về “Blockchain là gì? Nguyên lý hoạt động cùng các ứng dụng của công nghệ Blockchain, Nghề lập trình Blockchain và mức lương tương ứng”, GrowUpWork hy vọng sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích về block chain. Nếu bạn còn thắc mắc nào hay muốn chia sẻ những kiến thức của bạn về công nghệ blockchain. Xin đừng ngại để lại nội dung của bạn ở dưới phần bình luận nhé, chúng tôi sẽ giải đáp sớm nhất cho bạn.


Tin tức liên quan

Phân biệt các loại hình làm việc từ xa: Hybrid, Remote, Onsite và work from home

Kiến thức kỹ thuật| 2024-01-03
Các loại hình làm việc từ xa ngày càng phát triển. Trong tương lai gần nó sẽ trở thành xu thế của xã hội. Hãy tìm hiểu rõ hơn về những hình thức làm việc từ xa này và ưu - nhược điểm của nó.

IT onsite là gì? Một số kỹ năng và lưu ý khi nhận làm việc onsite

Kiến thức kỹ thuật| 2024-01-03
IT onsite là gì? Cần có kỹ năng gì để tham gia làm OnSite? Hãy tham khảo thông tin chi tiết sau từ chuyên gia và bạn sẽ có thể trở thành một IT ONSITE chuyên nghiệp.

Việc làm phù hợp và phổ biến cho thế hệ GenZ

Kiến thức kỹ thuật| 2024-01-03
Bạn là người trong thế hệ GenZ? Bạn đang thắc mắc không biết nên lựa chọn công việc gì? Bạn không biết làm sao để tìm được một công việc tốt? Hãy theo dõi những việc làm GenZ phổ biến sau và bạn sẽ có câu trả lời chính xác nhất.

Gợi ý 5 chế độ phúc lợi hấp dẫn và thu hút nhân tài tốt nhất mà doanh nghiệp nên thực hiện ngay

Kiến thức kỹ thuật| 2024-01-03
Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn thu hút và giữ chân nhân tài thì chế độ phúc lợi cần phải được đảm bảo. Trong đó 5 phúc lợi sau đây được đánh giá là tối ưu và tạo nhiều ấn tượng với ứng viên nhất.


Việc tạo CV đúng chuẩn giúp gia tăng cơ hội trúng tuyển của bạn ít nhất 20%. Hãy nhanh tay tạo CV Rirekisho chuẩn Nhật hoặc CV chuẩn tiếng Anh theo các mẫu chuyên nghiệp nhất của GrowUpWork chúng tôi dưới đây nhé!