Những đặc trưng tâm lý của người Nhật trong giao tiếp

Khi bước qua xứ sở hoa anh đào, dù ít hay nhiều thì bắt buộc cũng phải có sự tiếp xúc với người Nhật. Vì văn hóa của hai nước là khác nhau nên việc nắm bắt tâm lý của người Nhật là điều cần thiết. Vì thế, sau đây là những đặc trưng tâm lý của người Nhật mà các bạn đang là du học sinh, thực tập sinh cần phải biết để việc chung sống với người Nhật dễ dàng hơn.

 Những đặc trưng tâm lý của người Nhật trong giao tiếp
Những đặc trưng tâm lý của người Nhật trong giao tiếp

Luôn giữ khoảng cách khi giao tiếp

Sau đây, chúng ta cùng đi qua những đặc trưng tâm lý của người Nhật trong giao tiếp nhé.

Hạn chế giao tiếp bằng mắt

Khi nói chuyện thì phải nhìn thẳng vào mặt đối phương. Đây là quy tắc giao tiếp bằng mắt phổ biến mà ai cũng biết tại Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, điều này là không hẳn đúng với người Nhật. Bởi vì khi giao tiếp, nếu bạn nhìn thẳng vào mặt của họ nhiều quá, người Nhật sẽ cảm thấy khó chịu và thiếu tự nhiên khi giao tiếp.

Nói như vậy không có nghĩa là hoàn toàn không có sự giao tiếp bằng mắt với người Nhật. Nếu như vậy thì cũng là thất lễ với họ. Vì vậy, cách tốt nhất khi giao tiếp với người Nhật là vẫn nhìn vào mặt đối phương nhưng chỉ nên thoáng qua rồi nên nhìn sang chỗ khác.

Ngoài ra, nếu ngại nhìn thẳng vào mặt thì nên nhìn vào một vật trung gian như caravat, một cuốn sách, đồ nữ trang, lọ hoa…, hoặc cúi đầu xuống và nhìn sang bên. Khi nói chuyện mà nhìn thẳng vào người đối thoại thì bị xem là thiếu lịch sự, khiếm nhã và không đúng mực.

Tránh giao tiếp bằng mắt quá thường xuyên với người Nhật
Tránh giao tiếp bằng mắt quá thường xuyên với người Nhật

Không đụng chạm thân mật

Đây được xem là một khác biệt lớn về văn hóa ở Nhật Bản với Việt Nam. Ở Việt Nam, ngay cả những mối quan hệ không thân thiết, chúng ta vẫn có thể có những đụng chạm thân mật như bắt tay, vỗ vai, khoác tay, ôm nhau khi giao tiếp. Tuy nhiên, đối với người Nhật, đặc biệt với những mối quan hệ không thân thiết, điều này tuyệt đối không nên làm. 

Trong hợp tác kinh doanh, chúng ta vẫn thường thấy đối tác thường bắt tay nhau thể hiện sự hợp tác. Tuy vậy, người Nhật lại rất hiếm khi nào bắt tay. Bắt tay chỉ thường xảy ra khi người Nhật đó có hiểu biết về văn hóa nước ngoài hoặc khi phải hợp tác với đối tác nước ngoài, còn ngoài ra, người Nhật hầu như không bắt tay khi gặp nhau.

Ngoài ra, nhiều người Nhật khi sang Việt Nam cảm thấy sốc khi một số người Việt Nam chưa đủ thân thiết nhưng đã thể hiện những đụng chạm thân mật khi nói chuyện với họ. Đặc biệt, người Nhật khá khó chịu khi bị vỗ vai vì điều đó khiến họ giật mình.

Điều này người Nhật không tiện nói ra nhưng không có nghĩa họ thích điều đó đâu nhé. Chính vì thế, khi giao tiếp với người Nhật, dù đã thân nhau một chút thì cũng đừng nên vội đụng chạm thân mật với họ, nhất là với người khác giới.

Giữ khoảng cách khi nói chuyện

Cũng giống như việc đụng chạm thân mật nói trên, người Nhật cũng luôn cần giữ khoảng cách tối thiểu khi nói chuyện với nhau, trừ những nơi bắt buộc phải đứng gần như trên tàu điện hoặc nơi đông người. Vì thế, khi giao tiếp với họ, đặc biệt là với nữ giới, hãy luôn giữ khoảng cách nhất định, tránh đưa người ra phía trước hoặc áp sát mặt quá gần

Sợ khác biệt với tập thể

Trước giờ chúng ta vẫn được biết người Nhật là dân tộc có tính tập thể cao. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây đó là một phần lý do là người Nhật luôn sợ bị khác biệt trong một tập thể. Đây là một đặc trưng tâm lý của người Nhật ít người biết nếu chưa đặt chân đến Nhật. 

Điều này được thấy rõ ở một số việc trong cuộc sống hàng ngày. Đầu tiên, có thể thấy rõ nhất đó là trong thời trang của Nhật. Ở Nhật, chúng ta không khó trong việc biết được bộ trang phục nào đang là “chuẩn mốt” bởi vì lúc đó, người Nhật gần như ai cũng sẽ mặc giống nhau, nhất là trong một nhóm bạn. Không những giống nhau về quần áo mà kể cả về kiểu tóc, màu son, cách trang điểm cũng giống nhau. Điều này khá khác biệt với Việt Nam, khi mà ít ai thích “đụng hàng” trang phục với nhau.

Ngoài ra, khi đi ăn với một nhóm, thường sẽ thấy cả nhóm chọn món giống nhau, dù trong nhóm sẽ có người không thích món đó. Lý do bởi vì họ không thích phiền cho bên phía phục vụ cũng như ngại khác biệt với cả nhóm.

Dè chừng với người lạ

Chúng ta thường thấy các giáo viên người Nhật tại Việt Nam đa số đều rất thân thiện và dễ bắt chuyện. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc nhiều với người Nhật thì chúng ta dễ nhận thấy rằng, tính cách của người Nhật nhìn chung rất ngại khi nói chuyện với người lạ

Nếu bạn mong chờ vào việc một người Nhật sẽ chủ động bắt chuyện trước hoặc nói chuyện thân mật ngay từ lần gặp đầu tiên thì sẽ rất là khó. Trừ khi người đó có ảnh hưởng văn hóa nước ngoài hoặc tiếp xúc nhiều với người nước ngoài.

Tất nhiên tính cách của người Nhật mỗi người là khác nhau nhưng đặc trưng tâm lý của người Nhật khi lần đầu gặp hầu hết sẽ là im lặng và quan sát xem đối phương có là người đáng tin để nói chuyện hay không. Vì vậy nên khi làm trong môi trường ở Nhật Bản, chúng ta thường cảm giác như có bức tường ngăn cách giữa mình với những người Nhật khác. 

Chính vì hiểu được tâm lý đó nên khi làm việc, chung sống với người Nhật, hãy nên chủ động bắt chuyện cởi mở trước, như vậy thì mới có thể mở lòng được hơn với người Nhật. Từ đó khoảng cách với người Nhật cũng được thu lại gần hơn, mọi chuyện từ đó cũng dễ dàng hơn. 

Thích chỉ dẫn mọi việc 

Nếu có cơ hội làm việc với người Nhật thì chắc chắn mọi người sẽ không xa lạ với điều này. Đó là người Nhật rất thích chỉ dẫn người khác, đặc biệt là với Kouhai (hậu bối), nhân viên mới. Điểm tích cực ở việc này đó là bạn sẽ được chỉ dẫn tận tình từ những thứ nhỏ nhặt nhất và người Nhật không ngại chỉ dẫn đến khi bạn hiểu rõ mới thôi.

Ngược lại, chính điều này cũng đem lại không ít áp lực, nhất là với những người lần đầu tiên làm việc tại Nhật. Bởi vì mọi thứ được chỉ dẫn từ những điều nhỏ nhất nên từ những tiểu tiết cũng phải luôn chú ý. Nếu có bất cứ sai phạm gì thì bạn sẽ được gọi tên ra và chỉ dẫn lại từ đầu. Vì thế nên không ít người cảm giác mình bị bắt nạt và bị xem là người yếu thế.

Lời khuyên cho mọi người đó là nên xem đây là cơ hội tốt vì không phải ở đâu cũng có thể được chỉ dạy như vậy. Khi đã quen việc rồi thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn.

Sợ bầu không khí im lặng

Điều này thấy có thế thấy rõ trong buổi phỏng vấn công việc với người Nhật. Trong buổi phỏng vấn, nếu đặt câu hỏi và cho ứng viên thời gian suy nghĩ thì trong khoảng thời gian đó, thường sẽ thấy người Nhật khá căng thẳng và cố gắng nói thật nhiều để xóa bầu không khí im lặng giữa hai người. Đây là một tính cách của người Nhật mà khi tiếp xúc nhiều với họ mới biết được, thậm chí giữa người Nhật với nhau cũng có xảy ra tình huống này.

Vì thế, để tránh cho cuộc nói chuyện rơi vào không khí im lặng, bạn nên chủ động đặt cho đối phương những câu hỏi mở (câu hỏi buộc phải trả lời dài, không phải câu hỏi mà câu trả lời là có hoặc không). Từ câu hỏi đó mới có thể mở ra được đề tài nói chuyện và tránh việc cả hai rơi vào thế khó xử khi giao tiếp.

Lời kết

Những đặc trưng tâm lý của người Nhật trên đây có thể tốt, có thể khác biệt nhiều với người Việt Nam nhưng khi đã làm việc, chung sống với người Nhật thì bạn cần biết để hòa nhập được tốt hơn với cuộc sống tại Nhật.


tac-gia

Về tác giả:

Vy Lục 

Xin chào bạn đọc của GrowUpWork, mình là Vy Lục. Công việc hiện tại của mình là giảng dạy tiếng Nhật cho thực tập sinh, sinh viên nên mình cảm thấy việc hiểu biết về văn hóa Nhật rất quan trọng không chỉ cho việc học ngôn ngữ mà còn có ý nghĩa vận dụng cho cuộc sống nếu bạn muốn sang Nhật học tập và làm việc trong tương lai. Bên cạnh đó, những khác biệt trong văn hóa Việt – Nhật sẽ mang lại cho các bạn trải nghiệm thú vị. Hi vọng những thông tin của mình sẽ có ích cho các bạn và biết đâu được, các bạn sẽ bất ngờ với nhiều thông tin mới mẻ chưa hề biết về xứ sở hoa anh đào này nhé! Cảm ơn các bạn đã theo dõi!

 

 

 


Tin tức liên quan

Bài toán tiết kiệm chi tiêu của một du học sinh tại Nhật

Cuộc sống tại Nhật| 2022-02-07
Tiết kiệm chi tiêu luôn là mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều du học sinh khi sang Nhật. Đặc biệt, tại các thành phố lớn có mức đời sống cao như Tokyo!

Những lưu ý cần biết khi thuê nhà tại Nhật

Cuộc sống tại Nhật| 2021-08-30
Nơi ở là nhu cầu quan trọng ở bất cứ đâu! Chia sẻ những kiến thức cần thiết khi thuê nhà tại Nhật để tránh phát sinh phiền toái trong quá trình sinh sống tại Nhật!

Chia sẻ của thực tập sinh về cuộc sống ở Nhật Bản

Cuộc sống tại Nhật| 2021-08-24
Chia sẻ kinh nghiệm sống, làm việc và những khó khăn qua góc nhìn của một đại diện thực tập sinh tại Nhật!

Những hành động bình thường tại Việt Nam, phạm pháp tại Nhật

Cuộc sống tại Nhật| 2021-08-23
Chia sẻ những hành động ở Việt Nam là bình thường nhưng lại phạm pháp tại Nhật mà nhiều người Việt Nam dễ mắc phải dẫn đến gặp rắc rối với pháp luật khi sang Nhật!


Việc tạo CV đúng chuẩn giúp gia tăng cơ hội trúng tuyển của bạn ít nhất 20%. Hãy nhanh tay tạo CV Rirekisho chuẩn Nhật hoặc CV chuẩn tiếng Anh theo các mẫu chuyên nghiệp nhất của GrowUpWork chúng tôi dưới đây nhé!