Những hành động bình thường tại Việt Nam, phạm pháp tại Nhật

Hiện nay, có một hiện thực đáng buồn là Việt Nam đang đứng đầu về tỉ lệ phạm pháp tại Nhật. Lý do của việc này là gì? Đó chính là một số người Việt Nam trước khi đi Nhật không tìm hiểu kỹ luật pháp ở Nhật nên dẫn đến nhiều khi vô tình việc phạm pháp tại Nhật. Chính vì thế, bài viết này sẽ chia sẻ cho chúng ta những hành động bình thường tại Việt Nam nhưng lại phạm pháp tại Nhật. Nếu đang sinh sống tại Nhật, nhất định hãy xem đến hết để tuyệt đối không làm những điều này tại Nhật để tránh rước họa vào thân nhé.

Những hành động bình thường tại Việt Nam, phạm pháp tại Nhật
Những hành động bình thường tại Việt Nam, phạm pháp tại Nhật

Tùy tiện lấy đồ đã vứt mang về nhà

Ở Nhật, quy định về đổ rác rất khác Việt Nam và có thể xem là “rườm rà” đối với những người mới đến Nhật.  

Ví dụ, ngày hôm nay là ngày vứt rác tái chế (Shigen Mono), ngày mai lại là ngày vứt rác cháy được (Moeru Gomi) chứ không thể tùy ý vứt rác được. Trong quá trình đó, một số rác dù đã vứt đi nhưng vẫn còn giá trị sử dụng nên nhiều người Việt Nam cảm thấy “Vứt như vậy thì lãng phí quá”. Vì thế, họ đã tùy tiện mang những món đồ này về để sử dụng tiếp. Nhưng hỡi ôi, đây là điều phạm pháp tại Nhật!

Thật ngạc nhiên đúng không nào? Thậm chí, hành vi này còn cấu thành tội “Chiếm đoạt trái phép tài sản”. Bởi vì, ở Nhật, bạn sẽ trở thành ăn trộm nếu tùy tiện lấy đồ có giá trị của người khác mà không có sự cho phép từ họ, kể cả vật đó đã vứt đi. 

Mức phạt của hành vi này là bạn có thể ở tù 1 năm hoặc bị phạt tiền lên tới 100.000 yên (tương đương 21 triệu đồng)

Vứt rác ra thiên nhiên

Ở Việt Nam, khi các thiết bị điện tử, dụng cụ nhà bếp, giường ngủ… không còn sử dụng được nữa thì chúng ta thường làm gì? Có một vài cách xử lý khá quen thuộc. Nếu đồ dùng đó vẫn còn giá trị sử dụng thì có thể cho những người khác đang cần tới hoặc đem vứt ra bãi đất trống. Thậm chí, chúng ta còn có thể vừa xử lý được rác, vừa có tiền qua dịch vụ thu mua ve chai

Ở Nhật, những loại rác vừa kể trên được gọi là rác khổ lớn (Sodai Gomi). Khác lại với Việt Nam, khi muốn vứt loại rác này, bạn phải mua vé xử lý rác (có thể mua ở cửa hàng tiện lợi) và việc xử lý loại rác này tốn kém khá nhiều tiền. Tuy nhiên, một số người vì tiếc tiền nên đã tìm nơi vắng người như sông, núi để vứt rác này. Nhưng mọi người ơi, hành vi này phạm vào tội “Vi phạm đến luật xử lý rác thải” tại Nhật. Trường hợp xấu nhất khi phạm tội này có thể lên đến 5 năm tù hoặc phạt tiền lên đến 100 triệu yên (tương đương 21 tỷ đồng). Một con số thật sự sốc! 

Rõ ràng, mức phạt ở hành vi vứt rác này cao hơn rất nhiều so với hành vi tùy tiện lấy đồ đã vứt về nhà. Bởi vì vấn đề bảo vệ môi trường ở Nhật Bản được coi trọng hàng đầu nên sẽ không có bất kỳ sự dung thứ nào cho hành động gây ảnh hưởng đến môi trường. Vì thế, chúng ta đừng dại mà tự phá hủy cuộc sống tươi đẹp mình tại Nhật chỉ vì “rác”. Điều luật này có hình phạt rất nặng nhưng cũng là một lời cảnh tỉnh để người Việt Nam chúng ta có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.

Xem thêm các quy tắc trong phân loại rác và đổ rác ở Nhật để được hướng dẫn về cách đổ rác chuẩn Nhật!

Hướng dẫn bỏ rác đúng cách tại Nhật
Hướng dẫn bỏ rác đúng cách tại Nhật

Những sai lầm dễ mắc phải khi đi xe đạp tại Nhật

Khi vừa qua Nhật, xe đạp là phương tiện mà người Việt rất thường xuyên sử dụng, vì xe máy rất hiếm, xe hơi thì lại quá đắt. Chính vì thế, ở Nhật, đi xe đạp cũng có rất nhiều luật lệ mà chúng ta cần phải chú ý. Điều này khá là khác biệt so với Việt Nam, khi mà xe đạp hiếm khi nào bị công an giao thông xử phạt. Cùng điểm qua những điều mà người Việt Nam dễ mắc lỗi khi đi xe đạp tại Nhật nhé. 

Vừa đi xe đạp, vừa làm song song hành động gì đó

Ở Nhật Bản và Việt Nam đều có quy định chung giống nhau đó là “Đã uống rượu bia thì không lái xe”. Tuy nhiên, sẽ bất ngờ hơn khi điều này áp dụng chung cho cả xe đạp tại Nhật. Ngoài ra, còn một số hành động sẽ khiến chúng ta vi phạm pháp luật tại Nhật khi vừa đi xe đạp vừa làm ví dụ như:

  • Vừa đi xe đạp, vừa nghe nhạc
  • Vừa đi xe đạp, vừa sử dụng điện thoại
  • Vừa đi xe đạp, vừa che dù

Chở người phía sau

Việc chở 2 người trên xe đạp là việc rất bình thường ở Việt Nam, thậm chí là hình ảnh hết sức lãng mạn ở các cặp đôi hẹn hò. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là việc này cũng vi phạm pháp luật tại Nhật. Đây là điều được quy định hẳn hoi trong luật pháp Nhật Bản, không phải là luật bất thành văn. Vì thế nên tốt nhất là mỗi người tự sắm cho mình một chiếc xe đạp và dù có dễ thương, lãng mạn cỡ nào thì các cặp đôi cũng chịu khó “một mình một ngựa” đi nhé.

Bấm chuông liên tục trên đường

Cũng như xe máy, xe đạp cũng thường được gắn chuông để báo hiệu. Việc bấm chuông xe đạp nhiều hơn mức cần thiết đối với người đi bộ cũng được xem là vi phạm pháp luật tại Nhật. Vì thế, chúng ta cũng tuyệt đối đừng làm hành động này. 

Những sai lầm dễ mắc phải khi đi xe đạp tại Nhật
Những sai lầm dễ mắc phải khi đi xe đạp tại Nhật

Hái rau dại trên rừng

Gần đây, trên các kênh giải trí như Youtube, Tiktok của một số nhóm bạn người Việt Nam có chia sẻ những video hái rau, hái nấm ở rừng núi để đem về nhà ăn. Tuy nhiên, thật bất ngờ vì hành vi trong những video đó lại phạm vào tội “Trộm cắp rừng”.

Bởi vì ở Nhật, rừng núi hầu hết thuộc sở hữu của tư nhân, hay nói cách khác, chúng đều được sở hữu bởi một cá nhân. Chính vì thế, những loại rau, nấm mọc ở trên đó đều có chủ sở hữu. Việc tự ý hái rau mà không xin phép cũng giống như việc bạn vào nhà người khác ăn trộm đồ vậy. Hơn nữa, tiền phí mà chủ sở hữu phải bỏ ra để quản lý ngọn núi cũng rất cao nên nếu làm như vậy thì sẽ thiệt hại rất nhiều cho họ. 

Nếu bạn thực sự muốn hái rau dại, hãy thử hỏi chủ sở hữu của ngọn núi. Việc này có lẽ họ sẽ vui vẻ đồng ý thôi. Nhưng nếu họ không đồng ý thì tốt nhất bạn đừng nên tự ý làm để mắc công lại phạm tội ở Nhật nhé.

Tương tự việc câu cá, săn bắt thú tại những nơi tưởng như là rừng, vô chủ nhưng thực chất đều là đất sở hữu tư nhân, hãy chú ý nhé.

Đánh bắt cá trên sông

Có được bắt cá ở sông ở Nhật? Các bạn có thể dùng cần để câu cá ở sông mang về ăn nhưng không được dùng lưới để đánh bắt. Do luật phát quy định vậy để bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên.

Vi phạm trong kinh doanh online trên Facebook

Bán hàng fake các nhãn hiệu nổi tiếng

Ngày nay, khi lướt trên Facebook, chúng ta dễ dàng bắt gặp việc mua bán online trên mạng xã hội này, nhất là càng được phát triển hơn khi có công nghệ live stream. Và một cái “đỉnh” ở Facebook Việt Nam đó là mọi người được tự do kinh doanh nhiều loại mặt hàng trên mạng mà không cần giấy phép kinh doanh. 

Vì vậy, ngày nay, việc kinh doanh trên Facebook ngày càng phổ biến, đặc biệt là các mặt hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng (ví dụ như Gucci, Louis Vuitton, Chanel…) được bán tràn lan với giá siêu rẻ nhưng lợi nhuận cực kì cao. Tất nhiên, việc này nếu bị công an chức năng vào cuộc thì sẽ bị xử lý nhưng thực tế, việc bán hàng theo loại hình này vẫn xuất hiện nhan nhản mỗi ngày và được xem là bình thường tại Việt Nam.

Tuy nhiên, việc này lại phạm pháp tại Nhật đấy. Không chỉ các nhãn hiệu nổi tiếng mà ngay cả những thứ liên quan đến nhân vật hoạt hình như Doraemon, Pokemon (móc khóa, ốp lưng, thú nhồi bông...) cũng không được phép làm giả. Bởi vì, ở Nhật, kể cả việc kinh doanh online trên Facebook cũng cần phải có giấy phép hoạt động nên nếu áp dụng hình thức của Việt Nam đối với Nhật thì điều này lại phạm pháp.
Mức phạt cho hành vi này nặng nhất là có thể lên đến 10 năm tù hoặc phạt tiền lên tới 10 triệu yên (tương đương 2,1 tỷ đồng). 

Bán đồ ăn tự làm 

Một số người Việt Nam sang Nhật vì muốn tăng thêm thu nhập nên đã làm thêm “nghề tay trái” đó là bán đồ ăn tự làm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, khác với Việt Nam, việc bán đồ ăn tự làm cũng cần phải có giấy phép. Rõ là nghiêm khắc hơn Việt Nam rất nhiều! Chính vì thế, nếu ai thật sự nghiêm túc với việc kinh doanh đồ ăn tự làm thì hãy tìm cách xin giấy phép kinh doanh, còn nếu không thì tốt nhất đừng làm để mắc công lại gặp phiền phức với pháp luật tại Nhật.

Lời kết

Trên đây là những hành động bình thường tại Việt Nam, nhưng lại phạm pháp tại Nhật. Hy vọng, bài viết này sẽ có ích cho các bạn Việt Nam đang sinh sống tại Nhật, đặc biệt là các bạn du học sinh, thực tập sinh để hiểu hơn về quy định pháp luật tại Nhật. 


tac-gia

Về tác giả:

Vy Lục 

Xin chào bạn đọc của GrowUpWork, mình là Vy Lục. Công việc hiện tại của mình là giảng dạy tiếng Nhật cho thực tập sinh, sinh viên nên mình cảm thấy việc hiểu biết về văn hóa Nhật rất quan trọng không chỉ cho việc học ngôn ngữ mà còn có ý nghĩa vận dụng cho cuộc sống nếu bạn muốn sang Nhật học tập và làm việc trong tương lai. Bên cạnh đó, những khác biệt trong văn hóa Việt – Nhật sẽ mang lại cho các bạn trải nghiệm thú vị. Hi vọng những thông tin của mình sẽ có ích cho các bạn và biết đâu được, các bạn sẽ bất ngờ với nhiều thông tin mới mẻ chưa hề biết về xứ sở hoa anh đào này nhé! Cảm ơn các bạn đã theo dõi!

 

 

 


Tin tức liên quan

Bài toán tiết kiệm chi tiêu của một du học sinh tại Nhật

Cuộc sống tại Nhật| 2022-02-07
Tiết kiệm chi tiêu luôn là mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều du học sinh khi sang Nhật. Đặc biệt, tại các thành phố lớn có mức đời sống cao như Tokyo!

Chia sẻ của thực tập sinh về cuộc sống ở Nhật Bản

Cuộc sống tại Nhật| 2021-08-24
Chia sẻ kinh nghiệm sống, làm việc và những khó khăn qua góc nhìn của một đại diện thực tập sinh tại Nhật!

Những hành động bình thường tại Việt Nam, phạm pháp tại Nhật

Cuộc sống tại Nhật| 2021-08-23
Chia sẻ những hành động ở Việt Nam là bình thường nhưng lại phạm pháp tại Nhật mà nhiều người Việt Nam dễ mắc phải dẫn đến gặp rắc rối với pháp luật khi sang Nhật!

Sự thú vị tại ẩm thực Nhật Bản

Cuộc sống tại Nhật| 2021-08-23
Hơn cả những gì bạn biết về sushi! Tìm hiểu thêm về một số món ăn ẩm thực độc đáo khác mang đậm phong cách ẩm thực Nhật Bản tại đây nhé!


Việc tạo CV đúng chuẩn giúp gia tăng cơ hội trúng tuyển của bạn ít nhất 20%. Hãy nhanh tay tạo CV Rirekisho chuẩn Nhật hoặc CV chuẩn tiếng Anh theo các mẫu chuyên nghiệp nhất của GrowUpWork chúng tôi dưới đây nhé!