Những thói quen sinh hoạt bình thường ở việt nam, kỳ lạ ở Nhật Bản

Nhật Bản và Việt Nam là hai nước đa dạng về nền văn hóa nên chắc chắn sẽ có rất nhiều sự khác biệt văn hóa. Sau đây là những chia sẻ về những điều bình thường ở Việt Nam, kỳ lạ ở Nhật Bản. Đây hoàn toàn không phải là những so sánh mang tính tiêu cực hay đề cao văn hóa của nước nào mà chỉ đơn thuần là sự khám phá khác biệt văn hóa của hai nước, khi mà hành động bình thường của nước này có thể là kỳ lạ hoặc vi phạm ứng xử của nước kia. Bắt đầu nhé!

Những thói quen sinh hoạt bình thường ở việt nam, kỳ lạ ở Nhật Bản
Những thói quen sinh hoạt bình thường ở việt nam, kỳ lạ ở Nhật Bản

1. Nam giới cởi trần đi ra ngoài

Đây là cảnh rất thường phổ biến ở Việt Nam. Trừ những nơi cần ăn mặc lịch sự thì nam giới ở Việt Nam được thoải mái cởi trần đi ra ngoài. Đặc biệt vào mùa hè nóng bức, nam giới thường có thói quen sinh hoạt là cởi trần nhiều hơn để giải tỏa cơn nóng của mình. Tuy là hình ảnh không được lịch sự nhưng ở Việt Nam, gần như ít ai quan tâm và có thể ý kiến được về việc này.

Tuy nhiên, hành động này lại là điều khá kỳ lạ ở Nhật Bản. Nếu nam giới làm hành động này ở Nhật thì sẽ gây sự phản cảm, thậm chí có thể bị…bắt giữ. Nói như vậy không có nghĩa nam giới ở Nhật hoàn toàn không được cởi trần nhưng phải đúng hoàn cảnh và địa điểm. Những nơi như ở hồ bơi, bãi biển, nơi vắng người thì nam giới được phép thoải mái cởi trần. Nhưng chung quy lại, nam giới ở Nhật sẽ không cởi trần ở nơi công cộng hoặc nơi đông người.

2. Mặc đồ ngủ đi ra ngoài

Ở Việt Nam, trong những sinh hoạt hằng ngày thì người Việt Nam có thể thoải mái với những bộ đồ ngủ, dép lào, quần đùi, áo phông đi ra ngoài, trừ khi đó là những nơi cần ăn mặc lịch sự. Đây được cho là thói quen sinh hoạt hết sức bình thường, thậm chí được cho là một nét đẹp đặc trưng vì nó tôn vinh vẻ đẹp giản dị của người Việt Nam.

Ngược lại, người Nhật lại coi trọng sự chỉn chu trong trang phục ở mọi lúc mọi nơi. Nguyên nhân là vì người Nhật có xu hướng đánh giá nhân cách qua trang phục. Nếu mặc quần áo bẩn, bạn sẽ bị đánh giá bạn là người cẩu thả. Nếu ăn mặc sạch sẽ, bạn sẽ được đánh giá bạn là người nghiêm chỉnh. Vì thế, người Nhật rất quan trọng về trang phục nên ở Nhật, dù chỉ ra ngoài mua đồ một chút nhưng người Nhật vẫn phải thay quần áo nghiêm chỉnh.

Ngoài ra, ở các khách sạn, việc mặc đồ ngủ ra ngoài sảnh để dùng bữa cũng được cho là thiếu đứng đắn và điều đó sẽ khiến cho bạn trở thành tâm điểm khác biệt. Thậm chí, tại các khách sạn cao cấp, nếu ăn vận thiếu chỉn chu sẽ không được phép bước vào sảnh lớn.

Tất nhiên, người Nhật vẫn có thể mặc đồ ngủ ra ngoài nhưng thường chỉ trong trường hợp ra ngoài lấy bưu phẩm hoặc đổ rác. Tưởng tượng mà đến vứt rác cũng cần phải quần quần áo áo thì… cũng phiền thật đấy. Thế mới nói ở Nhật việc gì cũng nên đúng nơi, đúng thời điểm và tốt nhất đừng ăn mặc xuề xòa khi ra đường ở Nhật.

3. Từ biểu thị ý hỏi khi giao tiếp

(Há, Hả,Hử)

Từ biểu thị ý hỏi khi giao tiếp tiếng Nhật
Từ biểu thị ý hỏi khi giao tiếp tiếng Nhật

Khi không nghe rõ đối phương nói, người Việt Nam thường phản ứng như thế nào? Có phải là sẽ dùng những từ “Hả, Há, Hử” cùng với biểu cảm khó hiểu đúng không? Đây là phản ứng rất thường thấy trong cuộc trò chuyện giữa người Việt với nhau.

Khi giao tiếp với người Nhật, khi chưa hiểu rõ, người Việt đôi khi lại phản ứng lại những từ trên. Bạn sẽ không ngờ phản ứng rất đỗi bình thường đó có thể sẽ khiến cho người Nhật giận đỏ mặt đấy. Đặc biệt là khi điều đó lại sử dụng với người cấp trên. Họ sẽ cho rằng cử chỉ đó của bạn là thái độ vô lễ, coi thường hoặc đang có ý muốn cãi nhau với họ trong khi mình không hề có ý đó. Vì thế, cần cẩn trọng khi ứng xử điều này với người Nhật, đặc biệt là người lớn tuổi, cấp trên nhé.

Bạn hãy nhớ rằng, đây là phản ứng mà người Việt Nam sẽ chấp nhận được, nhưng rất kỳ lạ ở Nhật Bản nên không phải ai cũng dễ chịu khi nhận phản ứng này.

4. Nhân viên theo sát khách hàng khi mua sắm

Điều này không phải ở tất cả các cửa hàng ở Việt Nam nhưng có một điều gần như ai cũng từng gặp khi bước vào cửa hàng ở Việt Nam mua sắm đó là việc khách hàng đi đâu thì nhân viên cũng “tò tò” theo đó. Điều đó gây sự thiếu tự nhiên cho khách hàng khi mua sắm vì có cảm giác ai đó cứ “bám đuôi” mình. Trong trường hợp không thật sự có ý định mua đồ thì cũng rất ngại khi phải từ chối với nhân viên. Tuy vậy, việc này vẫn thường xuyên có ở các cửa hàng Việt Nam.

Ngược lại, hành động này lại khá kỳ lạ ở Nhật Bản. Vì khi bước vào cửa hàng, nhân viên sẽ đến và hỏi “Quý khách có cần giúp đỡ gì không?” rồi sẽ tự do cho khách hàng mua sắm đến khi cần sự hỗ trợ của nhân viên. Nếu có việc “theo đuổi” từng bước chân của khách hàng như thế thì có thể khiến khách hàng Nhật giận dữ bỏ về vì họ cho rằng cửa hàng đã thiếu tôn trọng với khách hàng.

5. Nhân viên đứng chờ gọi món

Điều này rất phổ biến ở Việt Nam trong những quán ăn, nhà hàng gọi món. Khi khách hàng đang xem xét thực đơn thì nhân viên đứng sát bên chờ đến khi nào gọi món xong. Cũng giống như việc nhân viên theo sát khách hàng nói trên, việc này cũng gây cho thực khách thiếu tự nhiên khi gọi món. Việc nhân viên đứng chờ như vậy khiến cho thực khách cảm giác “Này, chọn món nhanh lên!” nên phải gọi món thật nhanh để nhân viên không phải chờ lâu.

Ở những nhà hàng Nhật hay những nhà hàng Châu Âu, nhân viên sẽ để khách hàng tự nhiên chọn món đến khi quyết định gọi món. Tiện lợi hơn cả là hiện nay, trong các nhà hàng, khi cần gọi món hoặc hỗ trợ, khách hàng chỉ cần bấm nút và nhân viên sẽ đến phục vụ.

6. Vừa ăn xong đã dọn bát đĩa

Thói quen vừa ăn xong đã dọn bát đĩa khác của người Việt Nam khá khác với người Nhật

Ở các quán ăn Việt Nam, đa phần khách hàng vừa ăn xong thì nhân viên sẽ đến dọn bát đĩa ngay lập tức.

Ở Nhật, trừ khi bàn ăn quá đầy thì thường nhân viên sẽ chờ khách một chút rồi mới dọn . Lý do vì khách hàng thường nghĩ rằng “Dọn dẹp= về nhanh đi”

Ở các nhà hàng Nhật tại Việt Nam, điều này cũng thường bị khách Nhật phàn nàn vì vừa ăn xong đã dọn bàn ngay lập tức. Vì thế, hãy ráng đợi một chút rồi hẵng dọn nhé.

7. Chuyện nhỏ cũng gọi điện thoại

Đây là sự khác biệt văn hóa khá lớn khi gọi điện thoại của Nhật Bản và Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta thường thấy xảy ra nhiều nhất ở các cặp đôi hẹn hò. Khi mới quen nhau, các cặp đôi thường gọi điện thoại chỉ để hỏi “Ăn cơm chưa?”, “Đang làm gì đó?”. Nhiều người Nhật cảm thấy khó hiểu vì thấy người Việt Nam chuyện nhỏ gì cũng có thể gọi điện và đôi khi không thật sự có mục đích gì trong cuộc gọi đó. Vì đối với người Nhật, chỉ khi nào có việc thật sự mới gọi.

8. Nhà lúc nào cũng mở toang cửa

Khi đi ngang qua những ngôi nhà ở Việt Nam, nhất là ở các vùng nông thôn, chúng ta thường thấy cửa được mở toang. Mục đích là để đón gió và ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, việc mở toang cửa cũng vì mục đích thể hiện sự hiếu khách, như ngầm báo hiệu khách có thể vào chơi nhà bất cứ lúc nào. Nếu nhà đóng cửa thì có ý là chủ nhà đi vắng hoặc đang bận không tiện tiếp khách. Đây là một thói quen sinh hoạt rất đỗi phổ biến ở Việt Nam.

Nhà ở bên Nhật thì lại khác. Nhà ở đây thường được thiết kế để không nhìn vào không gian bên trong và cửa gần như lúc nào cũng đóng. Lý do bởi vì người Nhật coi trọng sự riêng tư và nhà là nơi duy nhất đem lại sự riêng tư nhất đối với họ.           

Lời kết:

Trên đây là những chia sẻ về những điều bình thường ở Việt Nam, kỳ lạ ở Nhật Bản. Qua những chia sẻ này, nếu chúng ta nhận thấy được những điểm chưa hoàn thiện, chưa hợp lý ở văn hóa của Việt Nam hay Nhật Bản thì hãy nên dần cải thiện để phù hợp hơn với cuộc sống nhé!


tac-gia

Về tác giả:

Vy Lục 

Xin chào bạn đọc của GrowUpWork, mình là Vy Lục. Công việc hiện tại của mình là giảng dạy tiếng Nhật cho thực tập sinh, sinh viên nên mình cảm thấy việc hiểu biết về văn hóa Nhật rất quan trọng không chỉ cho việc học ngôn ngữ mà còn có ý nghĩa vận dụng cho cuộc sống nếu bạn muốn sang Nhật học tập và làm việc trong tương lai. Bên cạnh đó, những khác biệt trong văn hóa Việt – Nhật sẽ mang lại cho các bạn trải nghiệm thú vị. Hi vọng những thông tin của mình sẽ có ích cho các bạn và biết đâu được, các bạn sẽ bất ngờ với nhiều thông tin mới mẻ chưa hề biết về xứ sở hoa anh đào này nhé! Cảm ơn các bạn đã theo dõi!

 

 

 


Tin tức liên quan

Bài toán tiết kiệm chi tiêu của một du học sinh tại Nhật

Cuộc sống tại Nhật| 2022-02-07
Tiết kiệm chi tiêu luôn là mối quan tâm hàng đầu của rất nhiều du học sinh khi sang Nhật. Đặc biệt, tại các thành phố lớn có mức đời sống cao như Tokyo!

Những lưu ý cần biết khi thuê nhà tại Nhật

Cuộc sống tại Nhật| 2021-08-30
Nơi ở là nhu cầu quan trọng ở bất cứ đâu! Chia sẻ những kiến thức cần thiết khi thuê nhà tại Nhật để tránh phát sinh phiền toái trong quá trình sinh sống tại Nhật!

Chia sẻ của thực tập sinh về cuộc sống ở Nhật Bản

Cuộc sống tại Nhật| 2021-08-24
Chia sẻ kinh nghiệm sống, làm việc và những khó khăn qua góc nhìn của một đại diện thực tập sinh tại Nhật!

Những hành động bình thường tại Việt Nam, phạm pháp tại Nhật

Cuộc sống tại Nhật| 2021-08-23
Chia sẻ những hành động ở Việt Nam là bình thường nhưng lại phạm pháp tại Nhật mà nhiều người Việt Nam dễ mắc phải dẫn đến gặp rắc rối với pháp luật khi sang Nhật!


Việc tạo CV đúng chuẩn giúp gia tăng cơ hội trúng tuyển của bạn ít nhất 20%. Hãy nhanh tay tạo CV Rirekisho chuẩn Nhật hoặc CV chuẩn tiếng Anh theo các mẫu chuyên nghiệp nhất của GrowUpWork chúng tôi dưới đây nhé!