Các ứng dụng cần thiết cho cuộc sống ở Nhật

Mình từng sống ở Tokyo, thành phố được xem là đắt đỏ thứ 3 thế giới đối với người nước ngoài (thống kê năm 2020 của Mercer), song song với sự đắt đỏ đó chính là sự tiện lợi. Và chúng ta không thể phụ định sự xâm nhập của các ứng dụng tiện ích trong cuộc sống ngày nay, không riêng gì ở Nhật. Tuy nhiên, trong bài viết này, với góc nhìn là một du học sinh từng đến Nhật học tập mình xin gợi ý những ứng dụng cần thiết cho cuộc sống tại Nhật, mong là sẽ hữu ích cho các bạn!

Các ứng dụng cần thiết cho cuộc sống ở Nhật
Các ứng dụng cần thiết cho cuộc sống ở Nhật

Cuộc sống hiện đại và tiện lợi tại thành phố Tokyo, Nhật Bản

Nhật Bản, đất nước có nền kinh tế nằm trong top 3 nền kinh tế phát triển nhất thế giới, đây là đất nước được đánh giá cao về sự phát triển cơ sở hạ tầng cũng như sự tiện lợi trong cuộc sống.

Mình từng sống ở Tokyo, thành phố được xem là đắt đỏ thứ 3 thế giới đối với người nước ngoài (thống kê năm 2020 của Mercer), song song với sự đắt đỏ đó chính là sự tiện lợi. Mình sống ở Ikebukuro, nên có thể xem là trung tâm của trung tâm nên hầu như những yêu cầu cơ bản cho cuộc sống đều được đáp ứng một cách dễ dàng.

Mình từng nghe nhiều bạn kể rằng, họ phải đạp xe 15 phút để đến được cửa hàng tiện lợi gần nhất, hay đi xe đạp tận 1 giờ đồng hồ để đến được siêu thị. Còn nơi mình sống thì các cửa hàng tiện lợi đôi khi chỉ cách nhau 50m, hay xa hơn là 2-300m, nhiều khu tập trung đông dân/văn phòng thì các cửa hàng chỉ cách nhau một con đường rộng chưa tới 5m.

Ngoài ra, các ga tàu cũng chằng chịt khắp thành phố. Các ga đôi khi chỉ cách nhau khoảng 1km (có nhiều hôm mình tiết kiệm tiền nên đi bộ từ ga này đến ga kia cũng chỉ mất tầm 10 phút).

Cửa hàng tiện lợi, quán ăn, siêu thị, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, công viên, công viên chủ đề, và rất rất nhiều thứ khác nữa, mọi thứ đều có thể dễ dàng tiếp cận.

Tuy nhiên, không phải lúc nào tiện lợi cũng vui vẻ. Mình cảm thấy cuộc sống tiện lợi đến mức mà mọi người rất ít khi chủ động giao tiếp với nhau đặc biệt là người lạ. Mình không rõ là văn hóa chung của Nhật như vậy hay người Tokyo lạnh lùng hơn bình thường (những lúc đi chơi ở các tỉnh phía Nam như Osaka, Nara, v.v mình thấy mọi người nhiệt tình lắm, hoặc chỉ những người mình gặp là như vậy... tùy vào cảm nhận của mỗi người nữa nhé!)

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì khi mọi người đã quyết định sang Nhật thì mình mong mọi người sẽ chuẩn bị tâm lý để sống một cuộc sống không phải làm phiền đến ai.

Tầm quan trọng của các ứng dụng tiện ích ở các thành phố phát triển

Nói rõ hơn về vấn đề không làm phiền đến ai thì các bạn có thể lấy ví dụ cụ thể như sau:

Là thay vì ở Việt Nam, khi bị lạc đường mình có thể ghé xuống hỏi cô bán nước hay chú sửa xe bên đường, thì khi đến Nhật các bạn nên mở Google Maps để tra cứu.

Báo đài sẽ thường hay ca tụng rằng người Nhật rất tốt bụng, khi bạn hỏi đường sẽ được họ dẫn đến nơi. Điều này mình không phản đối vì mình cũng từng được một chị người Nhật dẫn đến tận nơi mình đang tìm. Chỉ là họ có tâm lý e ngại tiếp xúc với người lạ, bắt gặp trên đường. Vì cũng có nhiều lần mình vừa định bước đến hỏi đường thì một vài người đã giật bắn người lên làm mình cũng hoảng theo =)) dù trước đó mình cũng đã có ra hiệu trước (thể hiện ý muốn nhờ vả).

Nói chung là người Nhật khá nhạy cảm, không mạnh mẽ hay phản ứng nhanh như người Việt mình đâu, nên mọi người cần gì cũng phải từ từ, nếu không chưa kịp hỏi thì họ đã chạy mất, lúc đó mọi người xung quanh sẽ nhìn mình như tên biến thái ấy!

Câu chuyện hỏi đường của mình xảy ra là do vừa sang Nhật, lại không muốn mua trả góp điện thoại, còn muốn chọn sim rẻ, hợp đồng ngắn hạn, cũng không muốn mua qua trung gian là các bạn Việt Nam nên khoảng 1 tuần đầu mình chỉ có điện thoại để bắt wifi ké ở cửa hàng tiện lợi thôi.

Sau 1 tuần, khi đã có sim và data thì câu chuyện lạc đường và hỏi đường cũng không còn xảy ra nữa.
Điều đầu tiên mình khuyên mọi người là: Điện thoại đầy pin (hoặc mang sạc dự phòng), sim, data (hoặc wifi cầm tay) là những thứ các bạn đừng quên khi ra ngoài nhé.

Để sống tốt trong “thế giới lạnh nhạt” đó thì ngoài điện thoại và data ra, các bạn cũng cần trang bị một số ứng dụng khác, những ứng dụng cần thiết cho cuộc sống ở Nhật, mình xin liệt kê dưới đây nhé:

  • Di chuyển: Google Maps, Yahoo!乗換案内
  • Thời tiết: Tenki.jp, ứng dụng thời tiết mặc định trên smartphone
  • Việc làm: Townwork, Mynavi, Shiftboard
  • Học tập: JDict, Mazii, HiNative

1. Nhóm ứng dụng phục vụ việc đi lại

a. Google Maps

Link:

Giới thiệu sơ lược: Đây là một ứng dụng phải nói là quen thuộc với mọi người rồi nên mình cũng không nói quá nhiều về em nó. Ứng dụng giúp bạn tìm địa chỉ có sẵn, chỉ đường, chỉ cách thức di chuyển, có thể tìm được cả buýt và tàu điện.

Cảm nhận cá nhân: Dù cho điện thoại mình có còn ít dung lượng như thế nào thì mình vẫn sẽ dành một phần dung lượng để tải em nó. Thay vì phải đi hỏi đường thì mọi người chỉ cần nhìn theo bản đồ rồi đi, chưa kể là bản đồ ở Nhật chuẩn lắm nhé, đảm bảo không bị lạc hay bị chỉ vào ngõ cụt như lúc bạn đi phượt Đà Lạt đâu =))

Ở Việt Nam, ứng dụng cho phép bạn tùy chọn phương tiện di chuyển như ôtô, xe máy, xe buýt, hay đi bộ thì bên Nhật cũng tương tự như vậy, ngoài ra, trong phần chỉ dẫn thì ứng dụng cũng chỉ bạn khi lên tàu nên vào cổng số mấy để không bị nhầm tuyến nữa.
Mình cực kỳ khuyên mọi người tải và sử dụng em này, à, nhớ update thường xuyên nữa nhé!

b. Yahoo!乗換案内

Link: (bonus thêm chiếc link web: https://transit.yahoo.co.jp/)

Màn hình ứng dụng chỉ dẫn cách di chuyển ở Nhật
Màn hình ứng dụng chỉ dẫn cách di chuyển (chuyển tàu, line tàu) và tính toán cả thời gian, phí di chuyển.
Nguồn: https://www.businessinsider.jp/

Giới thiệu sơ lược: Đây là ứng dụng cho phép tìm và nhận chỉ dẫn các thông tin liên quan đến các phương tiện di chuyển công cộng ở Nhật (xe buýt, tàu thường, tàu điện ngầm, shinkansen, v.v)

Cảm nhận cá nhân: Đây là ứng dụng chuyên về phương tiện công cộng, nó sẽ giới hạn cách thức di chuyển hơn Google Maps nhưng bù lại nó sẽ cực kỳ chi tiết.

Ứng dụng cho bạn nhiều lựa chọn về cách di chuyển, ví dụ như từ điểm A đến điểm B sẽ có nhiều chuyến tàu có thể đi được, bạn có thể tùy chọn số lần đổi tàu để tìm kiếm được đúng ý hơn, ứng dụng cũng có tính hẳn thời gian di chuyển ứng với cách thức di chuyển để bạn có thể dễ tính toán thời gian. Tuy nhiên, nhược điểm của ứng dụng này là các tên địa điểm đều được viết bằng tiếng Nhật, nên sẽ hơi khó dùng cho các bạn mới sang.

2. Nhóm ứng dụng thời tiết

a. Tenki.jp

Link: (bonus chiếc link web: https://tenki.jp/)

Giới thiệu sơ lược: Đây là ứng dụng dùng để theo dõi thời tiết. Bạn có thể xem thời tiết của từng khu cụ thể trong khung giờ cụ thể.

Màn hình app dự báo thời tiết ở Nhật
Dự báo nhiệt độ, khả năng xảy ra mưa (tương đối)
Nguồn ảnh: https://enjoypclife.net/

Cảm nhận cá nhân: Các bạn nên dùng cái này để biết mà mang theo ô hay áo mưa nhé. Giá cho một chiếc ô ở Nhật rất đắt =(( (ô rẻ 100 yên ở Daiso dùng chán lắm =))) Với ứng dụng này, bạn có thể xem thời tiết của vài ngày tới, bật một số tính năng như độ ẩm, buổi đi chơi sắp tới có bị thời tiết cản trở không, v.v.

b. Ứng dụng thời tiết mặc định trên smartphone

Mỗi smartphone hiện nay đều có một ứng dụng theo dõi thời tiết mặc định trên máy, tùy theo dòng máy mà ứng dụng có thể khác nhau. Nhưng riêng mình cảm thấy thì phần này sẽ tương đối giống nhau, nhưng tùy vào độ chi tiết mà bạn mong muốn có thể lựa chọn xem dùng app ở Nhật hay app có sẵn trên Smartphone nhé! 

3. Nhóm ứng dụng liên quan việc làm

a. Townwork

Link: (bonus chiếc link web: https://townwork.net/)

Giới thiệu sơ lược: Ứng dụng tìm việc làm phổ biến ở Nhật.
Cảm nhận cá nhân: Mình từng dùng app này để tìm baito (バイト, việc làm thêm), mình thấy việc làm trên này khá đa dạng, có nhiều bộ lọc như khu vực, mức lương, loại hình công việc v.v Các bạn có thể ứng tuyển ngay trên app luôn, nó giống như Vietnamwork bên mình vậy. Nhưng có lẽ không có duyên nên lần nào đi phỏng vấn việc tìm được trên này mình cũng “tạch” cả =((.

b. Mynavi

Link:

Giới thiệu sơ lược: link phía trên mình đưa là nhóm ứng dụng được phát triển bởi Mynavi, các bạn tìm ứng dụng phù hợp với bản thân (新卒, vừa tốt nghiệp hay 留学生版, dành cho du học sinh v.v)

Cảm nhận cá nhân: mình từng dùng bản cho du học sinh. Công việc trên đây cũng đa dạng và có bộ lọc như Townwork vậy. Các bạn có thể dùng song song 2 ứng dụng để tìm được công việc phù hợp nhanh hơn.

c. Shiftboard

Ứng dụng tính toán và theo dõi ca làm/lương
Ứng dụng tính toán và theo dõi ca làm/lương
Nguồn ảnh: https://www.itmedia.co.jp/

Link:

Giới thiệu sơ lược: Ứng dụng ghi và tính toán lương - giờ làm thêm.

Cảm nhận cá nhân: Bạn chỉ cần tải về, đăng nhập, nhập công việc và thông tin liên quan (lương, tiền tàu, cách tính tăng ca v.v), sau đó thì cứ nhập thời gian làm của mình vào, ứng dụng sẽ giúp bạn tính được buổi đó bạn làm được bao nhiêu tiền. Mình thích ứng dụng này lắm, lần đó mình bị mất khoảng 4 giờ làm (có làm nhưng hệ thống bị lỗi) nên tới tháng tiền lương mình được nhận và app tính ra khác nhau, mình mang app lên gặp tencho 店長 (quản lý cửa hàng) và được sửa lại cho ^^

4. Nhóm ứng dụng phục vụ học tập

a. Từ điển

JDict

Link:

Mazii

Link:

Giới thiệu sơ lược: Từ điển Việt - Nhật

Cảm nhận cá nhân: Từ điển là ứng dụng quá quen thuộc với người học ngoại ngữ rồi. Trải nghiệm cá nhân của mình thì 2 ứng dụng từ điển mình thích nhất là JDict và Mazii. JDict thích hợp các dòng điện thoại dung lượng nhỏ, Mazii thì dung lượng lớn hơn nhưng ứng với đó là nhiều tiện ích hơn. Các bạn có thể dùng từ điển để học, cũng có thể tra từ khi đi siêu thị/nhà thuốc lúc mua hàng, có thể thi thử JLPT, hay tham gia cộng đồng người học tiếng Nhật nữa.

b. HiNative

Link:

Giới thiệu sơ lược: Ứng dụng học ngoại ngữ qua việc hỏi đáp

Cảm nhận cá nhân: Khi đăng ký, bạn sẽ được chọn ngôn ngữ bản thân mình biết, trình độ của bản thân ứng với từng loại ngôn ngữ. HiNative như một cộng đồng học tập và giúp đỡ lẫn nhau, mọi người sẽ cùng hỏi và đáp trên đó. Đôi khi mình thấy nó như Yahoo ngày xưa ấy :v Mình không đảm bảo người giải đáp thắc mắc cho bạn là người chuyên môn hay 100% câu trả lời là chính xác, nhưng bạn có thể học và tìm hiểu thêm nhiều kiến thức thông qua cộng đồng này.

Trên đây là một số ứng dụng cần thiết cho cuộc sống ở Nhật, mình mong nó sẽ giúp cho các bạn sống tốt hơn, tiện lợi hơn khi học tập và làm việc xa nhà!


tac-gia

Về tác giả:

Phạm Hồng Hiệp 

"Mình là một đứa con gái chuyên khối A từ bé, nhưng đời đưa đẩy để lúc thi Đại học mình lại chọn D1, sau đó mình theo học tại khoa Nhật Bản học (ĐHKHXHNV) và không còn đụng đến nửa chữ tiếng Anh từ dạo đó. Sau này mình có cơ hội được đến Nhật du học. Thật ra mình cũng không thích Nhật lắm đâu nhưng mình thích xê dịch và trải nghiệm lắm. Với mình, Nhật Bản không chỉ là màu hồng như lời báo lá cải hay đồn thổi. Mình cảm thấy Nhật như ánh sáng trắng vậy, có vui, có buồn, có hi vọng và cũng có mất mát. Cái quan trọng là bản thân mình sẽ trưởng thành như thế nào sau khi kinh qua hết những điều đó!"

 

 


Tin tức liên quan

Chia sẻ trải nghiệm làm thêm tại chuỗi cửa hàng Hidakaya

Kinh nghiệm sống tại Nhật| 2021-11-11
Chia sẻ trải nghiệm làm thêm tại Hidakaya là hệ thống quán ăn Trung Quốc của Nhật, phục vụ chủ yếu các món mì và cơm phần (teishoku, 定食) của du học sinh tại Nhật.

Các ứng dụng cần thiết cho cuộc sống ở Nhật

Kinh nghiệm sống tại Nhật| 2022-01-05
Những Apps tiện ích giúp ích cho cuộc sống của các bạn khi đến Nhật học tập và làm việc dựa trên trải nghiệm của bản thân, cùng xem đó là những apps nào nhé!

Những điều cần biết khi đi xe bus tại Nhật Bản

Kinh nghiệm sống tại Nhật| 2021-05-19
Mình là Hiệp từng là du học sinh du học Nhật Bản gần 2 năm, sau đây mình xin phép giới thiệu cho các bạn một số điều cần biết khi đi xe buýt tại Nhật Bản.

Kinh nghiệm làm thêm ở chuỗi cửa hàng Yoshinoya

Kinh nghiệm sống tại Nhật| 2021-11-10
Sau một thời gian dài làm việc tại chuỗi cửa hàng Yoshinoya Nhật Bản mình xin chia sẻ các kinh nghiệm tìm việc làm thêm cá nhân trong quá trình tìm việc làm thêm tại đây!


Việc tạo CV đúng chuẩn giúp gia tăng cơ hội trúng tuyển của bạn ít nhất 20%. Hãy nhanh tay tạo CV Rirekisho chuẩn Nhật hoặc CV chuẩn tiếng Anh theo các mẫu chuyên nghiệp nhất của GrowUpWork chúng tôi dưới đây nhé!