Trình tự đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tại Nhật

Việc đi bệnh viện ắt hẳn là điều mà không ai mong muốn. Song trong cuộc sống khó mà có thể tránh khỏi những nguy cơ về y tế dù bạn ở bất cứ đâu. Đặc biệt, khi bạn đến một quốc gia khác để làm việc trong một thời gian nhất định, cũng cần tìm hiểu xem cách thức trình tự để khám chữa bệnh tại đất nước đó, phòng trường hợp cần đến. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trình tự khám chữa bệnh khi đến Nhật và xử lý khi gọi cứu thương trong tình huống khẩn cấp.

Trình tự khám chữa bệnh tại các bệnh viện tại Nhật
Trình tự khám chữa bệnh tại các bệnh viện tại Nhật

Khi đi khám chữa bệnh ở bất cứ bệnh viện nào tại Nhật, việc đầu tiên là bạn phải qua quầy lễ tân để nộp thẻ bảo hiểm y tế và lấy số thứ tự rồi ngồi chờ vào phòng khám.
Đối với người nước ngoài khi tham gia khám chữa bệnh tại bệnh viện Nhật, bạn chắc chắn phải mang theo thẻ ngoại kiều (đây cũng là loại không thể thiếu bên người khi bạn đi ra ngoài khi đến Nhật). Hãy mang các loại thuốc bạn đang uống nếu có. Nếu đây là lần đầu tiên bạn khám ở bệnh viện này thì hãy nhớ mang theo “sổ tay thuốc” của bệnh viện trước đó.

TẠI QUẦY LỄ TÂN

Bạn vẫn có thể đến bệnh viện để khám chữa bệnh mặc dù chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Nên khi đến quầy lễ tân bạn hãy nói với họ bạn chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
Sau khi kiểm tra xong thẻ bảo hiểm y tế (nếu có) bạn nộp sẽ được trả lại tại quầy này trước khi bạn về.

Giấy tờ cần thiết:

  • Thẻ bảo hiểm y tế
  • Giấy tờ tùy thân (thẻ ngoại kiều)
  • Sổ ghi thuốc, thuốc đang uống (nếu có)

TRONG LÚC ĐỢI KHÁM

Lúc này bạn sẽ phải điền vào phiếu “ chẩn đoán y tế” nếu đây là lần đầu bạn đến bệnh viện này. Trong phiếu này sẽ hỏi bạn về triệu chứng, đã đi viện chưa, trước đây có từng mắc bệnh gì, có đang dùng thuốc nào không và cả những dị ứng của bạn với thành phần nào của thuốc…
Sẽ có những từ liên quan đến y tế mà bạn không rõ trong tiếng Nhật vì thế hãy báo cho nhân viên yêu cầu bạn điền phiếu này, ngay sau đó sẽ có người phụ trách đến hỗ trợ. 
Trong lúc ngồi đợi, bạn cũng sẽ được các nhân viên y tế tiến hành đo thân nhiệt.
Mục đích của việc này cũng như điền vào phiếu chẩn đoán là giúp tiết kiệm thời gian khám chữa bệnh của cả bệnh nhân và bác sĩ.
Khi đã hoàn tất hai thủ tục trên bạn có thể tiếp tục ngồi đợi đến lượt mình để vào khám. Thời gian chờ dài ngắn khác nhau cũng tùy thuộc vào bệnh viện mà bạn chọn.

KHÁM BỆNH

Bạn sẽ được gọi tên khi đến lượt mình. Khi gặp bác sĩ trong phòng khám hãy trình bày một cách rõ ràng không miên man cho câu hỏi “từ khi nào”, “ở đâu” và “có triệu chứng như thế nào”. Đối với các triệu chứng thể hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể bạn cũng hãy nói chi tiết cho bác sĩ. Đặc biệt là bạn cảm thấy khó chịu như thế nào về các triệu chứng này.
Theo trình tự, trước khi gọi bạn vào phòng khám các bác sĩ chắc chắn đã đọc qua “phiếu chẩn đoán” của bạn, nên bác sĩ cũng sẽ hỏi kỹ hơn dựa trên những điều bạn khai trên phiếu này.
Bên cạnh chẩn đoán từ bác sĩ, bạn có thể phải làm các xét nghiệm khác nếu được yêu cầu.

THANH TOÁN

Bạn sẽ quay lại phòng chờ để nghe gọi tên lần nữa sau khi được bác sĩ chẩn đoán xong. Việc thanh toán sẽ được thực hiện khi bạn được gọi tên. Số tiền bạn phải thanh toán có thể sẽ rất nhiều trong trường hợp bạn không có thẻ bảo hiểm y tế. Chẳng hạn, bạn không có thẻ thì bạn phải chi ra 5,000 yên thay vì 1,500 yên nếu có thẻ bảo hiểm.
Vậy nên việc làm thẻ bảo hiểm y tế rất cần thiết, đối với người Nhật việc tham gia bảo hiểm y tế là nghĩa vụ tự giác của công dân, ít nhất bạn cũng nên tham gia bảo hiểm y tế quốc dân nếu chỉ có công việc part time, không chính thức.

NHẬN THUỐC

Tại các bệnh viện tư nhân nhỏ, thuốc của bạn sẽ được kê đơn do các dược sĩ làm việc tại đây. Toàn bộ thuốc theo đơn sẽ được chuẩn bị đầy đủ khi bạn nghe gọi đến tên để lấy và thanh toán cho tiền thuốc tại đây.
Ở một số bệnh viện nhở thì quầy lễ tân, nhận thuốc và thanh toán sẽ cùng một chỗ.
Bạn sẽ được hướng dẫn cách dùng thuốc cũng như những điều cần lưu ý về tác dụng phụ của thuốc bởi dược sĩ khi đến lấy chúng. Hãy hỏi rõ nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào.
Thẻ bảo hiểm là vật quan trọng, bạn hãy nhớ kiểm tra lại và ghé quầy lễ tân để lấy lại thẻ trước khi về nhé!

TRƯỜNG HỢP CẦN GỌI CỨU THƯƠNG

Gọi xe cứu thương

Trường hợp triệu chứng nghiêm trọng, tình trạng rất xấu, có tính khẩn cấp cao thì hãy gọi xe cứu thương.
Ví dụ như những trường hợp sau.

  • Đột nhiên bị tê cứng người hoặc không thể cử động được một nửa người
  • Bị thương nặng hoặc chảy nhiều máu
  • Bị bỏng lửa phạm vi rộng 
  • Co giật liên tục
  • Bất thường về ý thức 
  • Đột nhiên bị ngất
  • Đau dữ dội ở ngực hoặc bụng, thổ huyết - chảy máu ở hậu môn
  • Đột nhiên đau đầu dữ dội
  • Khó thở

Nếu gặp phải trường hợp như trên cần phải gọi xe cứu thương ngay.
SĐT: 119 (gọi miễn phí, phục vụ 24h)

Khi gọi đến tổng đài 119, dưới đây là những câu hỏi thường được hỏi khi gọi 119:
Hãy bình tĩnh trả lời các câu hỏi sau
Q: Đây là tổng đài 119. Hỏa hạn hay cấp cứu ạ?
A: Cấp cứu
Q: Có chuyện gì ạ?
A: Người thân tôi bị ngất ở nhà (Truyền đạt ngắn gọn - ai, đã bị gì?)
Q: Xin cho biết địa chỉ
A: Truyền đạt địa chỉ theo thứ tự “Quận, huyện, thành phố, khu phố, tên tòa nhà, số nhà, số phòng. Nếu không phải ngất ở nhà và bạn không biết địa chỉ, hãy nói tên các tòa nhà lớn và dấu hiệu ở gần khu đó.
Q: Xin cho biết tuổi bệnh nhân?
A: Nếu không biết tuổi chính xác của người bị nạn hãy quan sát để nói tuổi ước chừng, ví dụ tầm khoảng 60
Q: Xin cho biết tên và thông tin liên lạc của bạn
A: Tên tôi là . SĐT . Sau khi ngắt điện thoại, để xác nhận địa chỉ có thể nhân viên sẽ gọi lại tiếp

Trong thời gian đợi xe cứu thương

Trường hợp ngoài người ở bên cạnh bệnh nhân còn có thêm người khác, nếu có người ra ngoài chờ xe cứu thương thì khi xe đến sẽ thuận tiện hơn
Những đồ cần mang theo khi được chở đi bằng xe cứu thương

  • Thẻ BHYT
  • Tiền: nếu bạn có thẻ BHYT thì chỉ cần khoảng 10,000 yên là được
  • Sổ tay thuốc (thuốc đang uống)
  • Giày
  • Thẻ khám bệnh (nếu hay khám bệnh tại bệnh viện nào đó)
  • Giấy nhớ hoặc sổ tay có ghi thông tin liên lạc lúc khẩn cấp

Nếu biết bệnh viện thường đến khám và tiền sử bệnh của bệnh nhân thì nhân viên đội cấp cứu sẽ liên hệ với bệnh viện đó.
Giày dép cần khi đi vệ sinh trong bệnh viện hoặc khi hồi phục trở về nhà.
Nếu là trẻ sơ sinh cần mang theo các vật dụng của trẻ như tã lót, bình sữa,...

Mong rằng những thông tin trên sẽ hữu dụng trong trường hợp cần thiết khi bạn đến Nhật. Tuy nhiên, việc lưu ý đến sức khỏe và thể trạng của bạn vẫn cần được trú trọng hơn để không phải đi bệnh viện nhé!

 


Tin tức liên quan

Chia sẻ trải nghiệm làm thêm tại chuỗi cửa hàng Hidakaya

Kinh nghiệm sống tại Nhật| 2021-11-11
Chia sẻ trải nghiệm làm thêm tại Hidakaya là hệ thống quán ăn Trung Quốc của Nhật, phục vụ chủ yếu các món mì và cơm phần (teishoku, 定食) của du học sinh tại Nhật.

Các ứng dụng cần thiết cho cuộc sống ở Nhật

Kinh nghiệm sống tại Nhật| 2022-01-05
Những Apps tiện ích giúp ích cho cuộc sống của các bạn khi đến Nhật học tập và làm việc dựa trên trải nghiệm của bản thân, cùng xem đó là những apps nào nhé!

Những điều cần biết khi đi xe bus tại Nhật Bản

Kinh nghiệm sống tại Nhật| 2021-05-19
Mình là Hiệp từng là du học sinh du học Nhật Bản gần 2 năm, sau đây mình xin phép giới thiệu cho các bạn một số điều cần biết khi đi xe buýt tại Nhật Bản.

Kinh nghiệm làm thêm ở chuỗi cửa hàng Yoshinoya

Kinh nghiệm sống tại Nhật| 2021-11-10
Sau một thời gian dài làm việc tại chuỗi cửa hàng Yoshinoya Nhật Bản mình xin chia sẻ các kinh nghiệm tìm việc làm thêm cá nhân trong quá trình tìm việc làm thêm tại đây!


Việc tạo CV đúng chuẩn giúp gia tăng cơ hội trúng tuyển của bạn ít nhất 20%. Hãy nhanh tay tạo CV Rirekisho chuẩn Nhật hoặc CV chuẩn tiếng Anh theo các mẫu chuyên nghiệp nhất của GrowUpWork chúng tôi dưới đây nhé!